Vào “chợ” được miễn phí tra cứu thông tin tín dụng
Khách hàng chỉ cần đăng ký tài khoản trên app CIC (Trung tâm Thông Tin Tín Dụng) và vào tra cứu thông tin tín dụng của mình. Tại đây, họ có thể tìm thấy nhiều sản phẩm, dịch vụ của nhiều ngân hàng đang chào mời với những điều kiện cụ thể được nêu rõ ràng.
Khi vào “chợ”, khách hàng vay được khai thác thông tin tín dụng và điểm tín dụng miễn phí về bản thân, giám sát được các thông tin và mức độ tín nhiệm của mình, phòng tránh gian lận và được CIC tư vấn cải thiện điểm tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng tại các tổ chức tín dụng.
Tại hội nghị "Thông tin tín dụng và Thúc đẩy tiếp cận tín dụng của khách hàng vay" do nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại TP.HCM ngày 18/6, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết hiện đã có 15 ngân hàng tham gia kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn sẵn sàng tham gia chương trình của CIC.
Còn theo bà Phạm Thị Thanh Huyền, Chuyên gia cao cấp, Phụ trách chương trình phát triển Cơ sở hạ tầng tài chính IFC, một báo cáo tín dụng bao gồm: thông tin khách hàng, lịch sử vay trả nợ… Các cơ quan tham gia cung cấp thông tin dữ liệu cho CIC, gồm: Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức như fintech, các doanh nghiệp bán lẻ, truyền hình cáp, bảo hiểm, toà án…
Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển và Marketing CIC, cho biết tại Việt Nam có khoảng 40,6 triệu khách hàng đã và đang vay mà CIC lưu trữ hồ sơ, con số này mới chỉ đạt khoảng 54,8%; còn một số lượng khách hàng lớn chưa tiếp cận tổ chức tín dụng. Trong khoảng 1 triệu doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mà CIC theo dõi, có đến 73,4% (2/3) doanh nghiệp chưa từng tiếp cận ngân hàng.
Tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp Việt Nam - Nguồn: CIC (tháng 5/2019).
“Chợ” tín dụng: Sòng phẳng giữa ngân hàng và khách hàng
Theo ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC, “chợ” thông tin tín dụng của CIC có 2 nhóm đối tượng chính: Nhóm thứ nhất là các tổ chức tín dụng; Nhóm thứ 2 là các khách hàng vay. CIC là người tạo ra “chợ” để kết nối 2 nhóm đối tượng này, tìm hiểu nhau để mua bán mà hoàn toàn không mất phí.
Ông Phong nhấn mạnh CIC hoạt động không vì lợi nhuận, mà mục tiêu là đảm bảo an toàn hệ thống. Do đó, CIC muốn các tổ chức tín dụng công khai, minh bạch tất cả hàng hoá tín dụng lên “chợ”, như: mẫu hợp đồng, lãi suất , lãi phạt, các khoản tín dụng ưu đãi… để khách hàng vay lựa chọn ngân hàng phù hợp theo khả năng tài chính của mình.
Theo ông Phong, những thông tin này không có gì là bí mật, đó là minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, và không có cái gọi là quan hệ tín dụng ở đây.
Các diễn giả tham dự hội nghị Thông tin tín dụng do nhóm WB tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: NH.
Sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ có quy định buộc các tổ chức tín dụng phải đưa thông tin lên “chợ” này; và khi có nhiều thông tin, hàng hoá tín dụng của ngân hàng sẽ kích thích người dân, doanh nghiệp vào đây, tập trung ở đây để trao đổi nhu cầu vay vốn.
Theo ông Phong, về quyền của các tổ chức tín dụng (người mua), trước kia CIC yêu cầu các tổ chức tín dụng làm công văn cấp quyền “đi chợ”, nhưng đã bỏ. Đến nay, CIC chủ động cấp quyền, hay là thêm quyền “đi chợ” cho tổ chức tín dụng để khai thác, nghiên cứu, rà soát khách hàng. Do đó, CIC chuyển toàn bộ các user đang còn thời hạn khai thác của các tổ chức tín dụng sang có quyền “đi chợ”.
Đối với người bán, ai muốn quyền “đi chợ” phải đăng ký. Chẳng hạn, những khách hàng đăng nhập app CIC mới chỉ là khai quyền “đi chợ”, quyền khai nhu cầu vay vốn, chứ không phải quyền khai thác thông tin, nhu cầu của người khác.
Về phân phối thông tin nhu cầu tín dụng khách hàng tới các tổ chức tín dụng trên “chợ”, ông Phong cho biết CIC dùng thuật toán “ưu tiên đầu tiên”, nghĩa là gói tín dụng nào phù hợp với đăng ký nhu cầu tín dụng của khách hàng, chẳng hạn đăng ký vay mua nhà, thuật toán của CIC sẽ gửi đến nhiều ngân hàng và tìm kiếm những ngân hàng phù hợp với nhu cầu để họ lựa chọn. Nếu khách hàng chọn vay Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) chẳng hạn, nhu cầu này sẽ được chuyển về chi nhánh nào của Vietcombank gần nhà khách hàng nhất…
Về vấn đề tra soát, chỉnh sửa thông tin, ông Phong đưa thí dụ, khách hàng vay yêu cầu chỉnh sửa thông tin, CIC kiểm tra dữ liệu trong kho có đúng không. Nếu thông tin khách hàng vay yêu cầu chỉnh sửa là đúng, CIC sẽ chuyển về cho ngân hàng thương mại – nơi chuyển dữ liệu cho CIC để kiểm tra lại lần nữa, trong vòng bao lâu ngân hàng phải trả lời. Trên cơ sở này, CIC điều chỉnh dữ liệu và có công văn trả lời cho khách hàng vay.
Về phía ngân hàng thương mại, phải là tổng giám đốc hoặc người được uỷ quyền đề nghị CIC thì CIC mới điều chỉnh và nêu lý do điều chỉnh, nếu CIC không điều chỉnh cũng nói rõ lý do.
Xoá lịch sử nợ xấu cho khách hàng dính nợ dưới 10 triệu đồng
Trường hợp tại công ty tài chính HD Saison, khách hàng vay dính nợ xấu dưới 10 triệu đồng, đã tất toán, theo quy định lịch sử nợ xấu sẽ không còn treo trên CIC, và HDSaison đã chuyển sang nhóm nợ mới cho khách hàng, nhưng trên CIC vẫn thể hiện nợ xấu, điều này làm cho khách hàng rất hoang mang.
Theo ông Phong, trước đây sản phẩm thông tin tín dụng của CIC được điều chỉnh 1 tháng/1 lần, nhưng nay còn 1 tuần/1 lần. Tuy nhiên, theo Thông tư 02, các ngân hàng lại gửi thông tin 1 tháng/lần nên CIC phải sử dụng toàn bộ dữ liệu phát sinh, nghĩa là khi đã xoá nợ xấu thì thông tin khoản vay đó tự động gửi về ngân hàng để ngân hàng điều chỉnh nhóm nợ cho khách hàng. Có thể trường hợp này bị chậm.
Ông Phong cho biết thêm, theo quy định, lịch sử tín dụng của khách hàng vay dính nợ xấu được treo 5 năm trên CIC, nhưng để tạo điều kiện, CIC đã đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và được cho phép điều chỉnh thông tin những khách hàng vay dính nợ xấu dưới 10 triệu đồng (đã tất toán) không còn lịch sử nợ xấu. Do đó, các tổ chức tín dụng khi điều chỉnh nên có cả công văn điều chỉnh lịch sử tín dụng chung cho khách hàng, chứ không phải điều chỉnh hiện tại để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng vay.
Việc gỡ thông tin khách hàng dính nợ xấu (đã tất toán) từ 10-50 triệu đồng trên CIC sẽ thực hiện sau 01 năm, từ 50 đến dưới 100 triệu đồng là 3 năm và trên 100 triệu đồng là 5 năm. Điều này để tránh trường hợp khách hàng chỉ dính nợ xấu vài triệu đồng nhưng đeo đẳng mãi.
Trường hợp đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đưa ra, một khách hàng vay có quan hệ với 4-5 tổ chức tín dụng, tuy nhiên, khách hàng đó có một khoản nợ cần chú ý tại ngân hàng A và đã được giải quyết, tuy nhiên, do liên đới với các ngân hàng khác thì 6 tháng sau trên CIC mới hết nợ chú ý của khách hàng. Có giải pháp nào điều chỉnh không?
Ông Phong cho biết, về nhóm nợ chú ý của khách hàng tại ngân hàng A, nếu ngân hàng A còn giữ nhóm nợ đó thời gian bao lâu thì CIC phải giữ nhóm nợ tương ứng như thế, khi nhóm nợ đó được trả hết, hoặc nhóm nợ đó được chuyển xuống nhóm nợ mới thì CIC sẽ gửi ngay thông tin cho các tổ chức tín dụng liên quan biết.
Nguồn: