“Cho vay ngang hàng đang đặt ra thách thức lớn đối với công tác quản lý”

24/11/2024
Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động cho vay ngang hàng đang đặt thách thức lớn đối với công tác quản lý, giám sát...

Thời gian qua, hoạt động cho vay thông qua các nền tảng công nghệ phát triển rất mạnh mẽ, trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng ( P2P Lending ).

Đây là mô hình kinh doanh mới được thiết kế và xây dựng trên nền tảng công nghệ số, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính.

P2P Lending hiện đang được Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan chủ trì nghiên cứu, xây dựng cơ chế thí điểm.

Dù vậy, trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, thì hoạt động này vẫn đang phát triển rất nhanh. Theo đó, bên cạnh các mặt tích cực, P2P Lending còn tồn tại khá nhiều vấn đề cần giải quyết.

Trong văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, liên quan đến P2P Lending, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì Đoàn công tác liên ngành khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng hoạt động cho vay ngang hàng của một số công ty tại TP.HCM và Hà Nội.

“Kết quả khảo sát cho thấy một số công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh là tư vấn tài chính, môi giới tài chính, kinh doanh dịch vụ cầm đồ và tự nhận là công ty cho vay ngang hàng cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến”, Thống đốc cho biết.

Sản phẩm vay vốn trên các nền tảng trực tuyến được các công ty này vận hành khá đa dạng, chủ yếu dưới hình thức vay vốn không có tài sản đảm bảo; thời gian vay ngắn; khách hàng phải trả phí và lãi suất đối với các khoản vay.

Tuy mới được triển khai từ năm 2016 trở lại đây, nhưng các công ty này có sự tăng trưởng mạnh về số lượng khách hàng, hợp đồng vay vốn kết nối thành công và tổng phí dịch vụ thu được.

“Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động cho vay ngang hàng đang đặt thách thức lớn đối với công tác quản lý, giám sát đối với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đưa hoạt động của các công ty này vận hành theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo trật tự xã hội, an ninh hệ thống tài chính”, Thống đốc cho hay.

Theo đó, ông Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực và chủ động triển khai nhiều giải pháp quản lý đối với hoạt động này.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Báo cáo cơ chế thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng để trình Chính phủ, dự kiến đưa lĩnh vực cho vay ngang hàng vào Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Cơ chế Regulatory Sandbox).

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các giải pháp truyền thông như khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tìm hiểu kỹ, thận trọng khi tham gia các nền tảng cho vay ngang hàng trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý rõ ràng điều chỉnh đối với lĩnh vực này và khuyến nghị người dân tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng chính thống, tránh bị lừa đảo, rơi vào vòng xoáy cho vay nặng lãi của tín dụng đen.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) lưu ý về các rủi ro trong hoạt động cho vay ngang hàng; qua đó khuyến nghị TCTD thận trọng trong ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các công ty cho vay ngang hàng, đảm bảo đúng quy định pháp luật, không ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của TCTD cũng như an toàn của hệ thống ngân hàng.

Thống đốc cũng khẳng định, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.

Nguồn: