Sau khi lạm phát từ các nước Phương Tây tăng lên nhanh chóng, nhiều nhà đầu tư lo ngại Việt Nam sẽ là điểm ghé thăm tiếp theo của lạm phát. Vì thế mà không ít người đã nhanh chóng tìm cho mình một kênh trú ẩn trước "bão giá" đang đến gần. Một số chọn "cash is king", số khác lại chọn vàng, vài người vẫn tiếp tục với bất động sản và chứng khoán. Và vẫn còn rất nhiều người chưa biết phải chọn đặt tiền vào đâu.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho biết, Việt Nam có 4 kênh truyền thống để giữ tài sản. Thông thường nhà đầu tư chỉ quan tâm đến 2 vấn đề là tính sinh lời và an toàn mà ít khi chú ý đến tính thanh khoản của tài sản. Trong khi ở một số giai đoạn, tính thanh khoản là rất quan trọng.
Thứ nhất là kênh vàng và đô la, đặc trưng bởi tính an toàn và thanh khoản cao. Thường nhà đầu tư chọn kênh vàng là để bảo vệ đồng tiền khỏi mất giá, chỉ có một số ít chọn nó như một kênh sinh lời. Bên cạnh đó, khả năng dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt cũng là một tiêu chí để nhà đầu tư lựa chọn khi đầu tư vào vàng. Đô la cũng có nhiều đặc tính tương tự với vàng.
Kênh thứ hai đó là tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm. Khi nói đến việc "cash is king", thường ở Việt Nam nhà đầu tư sẽ nghĩ ngay đến tiền gửi kỳ hạn tại các ngân hàng, ít người sẽ lựa chọn nắm giữ tiền mặt.
Lựa chọn thứ ba là kênh đầu tư bất động sản. Kênh này ngày càng phổ biến và khẳng định được vị thế của mình. Loại hình đầu tư này cũng có sự phân hóa rất lớn về mức an toàn, thanh khoản, sinh lời.
Ví dụ như nhà đầu tư lựa chọn an toàn và thanh khoản thì có thể lựa chọn các căn hộ phổ thông. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các căn hộ vừa có thể cho thuê và nếu muốn bán thì cũng sẽ dễ dàng bán hơn vì có tính thanh khoản. Giá cả cũng rõ ràng hơn chỉ dao động trong khoảng 1-2 trăm triệu.
Còn nếu muốn lợi nhuận cao và đầu tư lâu dài, nhà đầu tư có thể mua các mảnh đất lớn ở vùng sâu, thậm chí cả những vùng mà giao thông chưa phát triển. Tuy thanh khoản thấp nhưng về sau sẽ sinh lời nhiều.
Chứng khoán là kênh thứ tư được chuyên gia đề cập. Trong 2 năm dịch bệnh 2021-2022, nhờ chứng minh được khả năng sinh lời mà kênh chứng khoán đã dành được khá nhiều sự quan tâm, đặc biệt là người trẻ, những người không đủ nguồn vốn và năng lực tự kinh doanh.
Kênh này cũng rất đa dạng về thành phần cũng như chất lượng của nhà đầu tư. Từ những người người nội trợ, nhân viên văn phòng với vốn nhỏ khoản vài trăm triệu cho đến những nhà đầu tư chuyên nghiệp và các nhóm lớn với vốn hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, số đông vẫn là những nhà đầu tư mới với số tiền từ vài chục triệu đến vài trăm triệu và thường sẽ đầu tư theo kiểu lướt sóng.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho biết, "Câu hỏi lớn nhất và quan trọng nhất dành cho số đông vẫn là về nhóm bất động sản. Đó là liệu bất động sản còn tăng tiếp hay không, còn đầu tư được trong giai đoạn này hay phải chờ?"
Mặc dù nhà đầu tư ở các kênh khác như vàng hay chứng khoán vẫn có những thắc mắc về tài sản của mình nhưng thực ra không quyết định quá nhiều đến hành động của họ. Vấn đề chính sẽ ở những người đang nắm giữ nhà đất có giá trị trên chục tỷ.
Câu chuyện cũng sẽ không nằm ở các bất động sản đang được cho thuê tốt, mà ở những miếng đất đang tăng nóng và những địa bàn nóng. Vì thông thường, những bất động sản này là đầu cơ hơn là từ nhu cầu thật.
Vấn đề của các bất động sản này là liệu tiềm năng tăng giá của nó còn hay không và các chủ sở hữu có thể bán được không. Đặc biệt là câu chuyện về tính thanh khoản của bất động sản, vì nó rất quan trọng trong những thời điểm bước ngoặt
Chia sẻ thêm về thị trường nhà đất và lạm phát, Tiến sĩ Hiển cho biết, hiện thị trường có vẻ như đang động viên và khích lệ nhau bằng các minh chứng quá khứ. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng không phải là nó đã tăng thế nào trong quá khứ, mà là liệu bất động sản sẽ tiếp tục phát triển tiếp hay là sẽ bị suy thoái?
"Câu hỏi này không chỉ có vai trò đối với các nhà đầu tư bất động sản mà còn tác động đến hệ thống ngân hàng, thậm chí là tác động tới chiến lược kinh tế quốc gia", ông nói. Mặc dù quan trọng nhưng hiện tại vẫn chưa có một câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này.
Về kênh đầu tư nào sẽ hưởng lợi khi lạm phát, chuyên gia cho biết, hiện nay dư luận đang nói quá nhiều về lạm phát theo kiểu "đồng tiền mất giá chúng ta hãy mạnh dạn đầu tư vào chứng khoán hoặc là bất động sản". Đồng thời, có vẻ như thị trường đang nhìn nhận nó theo hướng đây một tin vui hơn là một tin buồn.
Thế nhưng, trường hợp lạm phát cao đến mức các khoản tiền gửi ngân hàng mất giá trị và giá cả tăng rất cao chỉ xảy ra khi nhà nước chi tiêu vô tội vạ và in tiền không bảo chứng. Trong trường hợp đó, "Chúng ta hãy mạnh dạn đầu tư bất động sản là chính và chứng khoán là cái thứ hai", ông Hiển chia sẻ.
Còn các trường hợp lạm phát do chi phí đẩy, như giá dầu hay giá một số loại hàng hóa tăng thì không thể làm lạm phát lên cao. Nó chỉ gây áp lực lên người tiêu dùng phải điều chỉnh hành vi để cân đối chi tiêu. Đồng thời, lạm phát theo cách này cũng sẽ không thúc đẩy thị trường đổ xô đi mua bất động sản hay chứng khoán.
Về tình hình hiện tại, "lạm phát hiện tại là do chi phí đẩy, nó không có khả năng tạo ra một làn sóng đầu tư chứng khoán và bất động sản". Chính phủ cũng chưa có những biểu hiện mất cân đối thu chi hay thiếu hụt để phải in thêm tiền bù đắp cho ngân sách.
https://cafef.vn/chuyen-gia-lam-phat-sap-toi-khong-du-de-tao-song-bat-dong-san-va-chung-khoan-20220330143117392.chnNguồn: