Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tính đến ngày 20/12/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,1% so với cuối năm 2018, cao hơn cùng kỳ năm 2018; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,5%, cao hơn cùng kỳ năm 2018; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 12,1%, cao hơn cùng kỳ năm 2018.
Điều này đồng nghĩa, vốn ở các tổ chức tín dụng đang "khá dồi dào" và còn dư địa lớn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế và nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cuối năm của các cá nhân. Bởi so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm 2019 thì hiện vẫn còn khoảng 137.018 tỷ đồng để bơm ra thị trường trong 10 ngày cuối năm 2019.
Trên thực tế, chuyển động của các ngân hàng trong 2 tháng cuối năm 2019 cho thấy dấu hiệu rõ ràng về việc các tổ chức tín dụng đang thừa vốn. Bởi từ nửa cuối quý IV/2019, một loạt các ngân hàng đưa ra các gói vay ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp lẫn ưu đãi cho hoạt động mua sắm tiêu dùng cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM), trong hoạt động tín dụng, chất lượng tín dụng là điều quan trọng nhất. Hoạt động tín dụng đã và đang hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, qua đó cho thấy vốn ngân hàng đang được sử dụng ngày càng hiệu quả, nên không nhất thiết phải hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% bằng mọi giá.
Một số nhà phân tích tài chính cho rằng, tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 có thể không đạt mục tiêu đề ra do sự phát triển mạnh mẽ của các kênh vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn từ các tổ chức nước ngoài thông qua hợp tác… và kiều hối năm 2019 về mạnh.
Hồi đầu tháng 12/2019, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Tp.HCM cho biết, các NHTM không thiếu vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình trong những tháng cuối năm. Thị trường tiền tệ những tháng cuối năm diễn biến đúng theo định hướng, tích cực góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, dự báo kiều hối về Tp. HCM cả năm 2019 tăng hơn 9% so với năm 2018.
Báo cáo của GSO cũng cho biết thêm, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm. Nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt công bố giảm lãi suất cho vay góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,2%-0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3%-5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3%-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6%-7,5%/năm. Lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.
Nguồn: