Trong tuần qua, nhiều cổ phiếu ngân hàng nhóm vốn hoá cao đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường như BID của BIDV, HDB của HDBank, VIB của VIB khi tăng lần lượt 2,8%, 7,9% và 1,8%; một số ngân hàng vốn hóa nhỏ giao dịch trên UPCoM tăng mạnh từ 8-11%, thậm chí có nhà băng là PGBank cổ phiếu tăng tới trên 35%. Sang phiên đầu tuần này, ngày 22/11, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng mạnh với 25/27 mã trên 3 sàn tăng từ 1,2% trở lên (ngoại trừ PGB và EIB sụt giảm), trong đó riêng VIB, HDB, TPB tăng kịch trần và giá TPB, HDB thiết lập đỉnh kể từ khi niêm yết tới nay.
Không chỉ là tăng giá, thanh khoản của nhiều mã cũng tăng đột biến gấp đôi, gấp ba so với bình quân 10 phiên giao dịch gần nhất.
Cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền trong bối cảnh nhiều nhà băng công bố kết quả kinh doanh quý 3 tích cực hơn dự báo cùng kỳ vọng về gói kích thích kinh tế quy mô lớn và khả năng các ngân hàng được giao thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm. Ngoài ra, việc giá cổ phiếu các ngành khác liên tục tăng nhưng nhóm ngân hàng vẫn "đóng băng" và chưa có đợt biến động đáng kể nào kể từ đầu tháng 7 tới nay cũng làm cho nhóm này trở nên hấp dẫn hơn với nền giá rẻ.
Trong báo cáo được phát hành mới đây, công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định ROE năm 2021 của ngân hàng được VCSC theo dõi đạt khoảng 20% và sẽ tăng lên 21% trong năm 2022. Cùng quan điểm, Chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết cổ phiếu ngân hàng hiện tại đang giao dịch tại mức trung bình 1,9x P/B dự phóng 2021 và 1,6x P/B dự phóng 2022, cho thấy mức định giá rẻ. Thêm vào đó lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngành ngân hàng luôn ở mức tốt. Đó là những cơ sở để tin tưởng cổ phiếu ngân hàng sẽ có bứt phá.
Nhóm ngân hàng có P/B tốt và ROE ở mức cao trên thị trường tính đến hết 9 tháng đầu năm nay có thể kể đến những cái tên như VIB (quán quân ROE với tỷ lệ hơn 30%), OCB, TCB, VPB, MSB, ACB, HDB, MBB, trong đó VPB đã tăng trên 90% kể từ đầu năm, OCB tăng hơn 80%, MSB tăng trên 70%, VIB tăng 70% trong khi các cổ phiếu như HDB, MBB và ACB tăng ít hơn. Chốt phiên 22/11, HDB đứng ở 32.300 đồng, MBB là 29.200 đồng và ACB tại 34.150 đồng/cổ phiếu trong khi VIB và TPB đều trên 40.000 đồng còn TCB đã trên 53.000 đồng/cổ phiếu.
Giới phân tích đánh giá, với mặt bằng định giá chung còn thấp so với thị trường, tiềm năng tăng giá sẽ thuộc về những mã có nền tảng tốt, còn nhiều dư địa tăng trưởng kinh doanh nhưng giá tăng chưa nhiều.
Thu nhập từ bảo hiểm được đánh giá sẽ tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng lợi nhuận quan trọng của các ngân hàng trong năm 2022. Có khá nhiều nhà băng ghi nhận những khoản phí trả trước và hoa hồng lớn trong năm 2021. Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm, đây sẽ là "của ăn của để", dư địa cho nhiều nhà băng gia tăng thu nhập và lợi nhuận những năm tới. Hiện tại hầu hết các ngân hàng đã ký hợp tác bảo hiểm và ghi nhận vào lợi nhuận, riêng có HDBank còn đang tìm kiếm đối tác mới để ký hợp tác, dự kiến trong năm 2022. Tại buổi tiếp xúc nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo nhà băng này cho biết thu nhập từ dịch vụ trong 9 tháng đầu năm đã tăng khoảng 90% so với cùng kỳ và ngân hàng đang triển khai những kế hoạch lớn về banca, đem lại hiệu quả cao cũng như thúc đẩy nhanh thanh toán không tiền mặt và phát triển ngân hàng số.
Bên cạnh đó, theo nhận định của Maybank Kim Eng, nợ xấu được các ngân hàng kiểm soát tốt trong đại dịch, do đó, chi phí phí dự phòng rủi ro tín dụng sẽ ở mức trung bình 1,5%-1,6% dư nợ trong hai quý tới, sau đó giảm xuống từ quý 2/2022. Đây là động lực thúc đẩy lợi nhuận các ngân hàng tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022.
Nhìn chung, dòng cổ phiếu ngân hàng đang có triển vọng tích cực.
Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong phiên 22/11
Nguồn: