Kết phiên (25/4), VN-Index giảm 68,31 điểm xuống 1.310,92 điểm. Hàng loạt cổ phiếu trên thị trường bị bán tháo, cổ phiếu ngân hàng cũng không ngoại lệ. Không một mã ngân hàng nào giữ được sắc xanh khi đóng cửa.
Trong số các cổ phiếu ngân hàng, mã giảm nhiều nhất là KLB (-12,8%); có 7 mã niêm yết trên HoSE "lau sàn" (giảm 7%) như CTG, BID, TCB, VPB, OCB, STB, LPB; mã giảm ít nhất là VCB (-0,5%).
Với vị thế là một trong những nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên thị trường, khi nhóm ngân hàng lao dốc, không ít nhà đầu tư đã nghĩ ngay đến việc cổ phiếu ngân hàng là tác nhân chính kéo ngã thị trường.
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng của công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS) cho biết, việc các cổ phiếu ngân hàng giảm giá mạnh là do các áp lực từ phía thị trường, không phải do nhóm này yếu hơn so với mặt bằng chung.
Minh chứng rõ ràng nhất là nhiều phiên trước, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã nắm giữ vai trò níu giữ chỉ số và giao dịch nhóm này cũng có phần tích cực hơn so với tổng thể. Vì thế, cổ phiếu ngân hàng không phải là nguyên nhân làm VN-Index sụt giảm, mà ngược lại thị trường chung mới là nhân tố ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu này.
Đà giảm hôm nay của thị trường không phải đến từ câu chuyện kinh doanh của các ngành hay các mã cổ phiếu, mà nó chủ yếu đến từ việc các nhà đầu tư bị áp lực tâm lý khi sử dụng đòn bẩy tài chính để mua cổ phiếu.
Cụ thể hơn, trong những phiên trước, thị trường đã có những đợt sụt giảm và điều này đã tác động khá mạnh đến tâm lý các nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm sử dụng margin. Nhóm này đã phải giảm nợ vay và đưa tài khoản về mức an toàn, từ đó mà có các đợt bán tháo như hiện tại.
Câu chuyện này đã từng xảy ra rất nhiều lần, đây không phải là lần đầu tiên và cũng không phải lần cuối cùng trong suốt hành trình phát triển của thị trường. Tuy nhiên, sau những phiên bán tháo như thế sẽ là những nhịp phục hồi rất mạnh.
Tương tự như thời điểm tháng 1 năm ngoái, thị trường cũng bị bán tháo gần 70 điểm. Thế nhưng, VN-Index đã bật tăng mạnh trở lại ngay sau đó. Khi ấy, tâm trạng hầu hết nhà đầu tư nhìn chung đều rất bi quan. Mặc dù rất nhiều cổ phiếu đã được chiết khấu về mức rất rẻ nhưng không mấy người dám mua.
Sau những lần điều chỉnh như vậy, cơ hội cũng sẽ được mở ra cho những mã cổ phiếu tốt. Mặt khác, điều này cũng sẽ khiến cho việc thu hút dòng tiền của các mã cổ phiếu không có yếu tố cơ bản hỗ trợ có phần khó khăn hơn.
Thời điểm này không phải là thời điểm để nhà đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu. Vì hiện tại đã có những mã cổ phiếu được chiết khấu ở mức rất rẻ. Nhiều mã thậm chí còn về dưới mức giá năm 2021.
Bên cạnh đó, những năm qua, các doanh nghiệp cũng đã ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận và phát triển lên những tầm cao mới. Thị trường chứng khoán cũng đã tốt hơn trước về cả chất và lượng. Lúc này, nhà đầu tư nên cân nhắc giảm tỷ trọng margin, ổn định tâm lý và chờ đợi những cơ hội đầu tư tiếp theo.
Chuyên gia cho biết, ông cũng rất đồng cảm với việc thị trường sụt giảm vì nó là một nỗi đau với nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, những lần "phân vàng tách thau" thế này sẽ rất cần thiết để thị trường phát triển trong dài hạn.
Về triển vọng của ngành ngân hàng trong năm 2022, câu chuyện sẽ tập trung ở việc tín dụng vẫn được duy trì ở mức tốt và yếu tố vĩ mô ổn định. Mặc dù mặt bằng lãi suất có tăng nhẹ, nhưng theo khảo sát, hiện một số ngân hàng đang có tỷ lệ casa rất cao và vẫn duy trì được biên lợi nhuận tốt.
Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022 nhìn tổng thể sẽ vẫn ghi nhận sự tăng trưởng. Tuy nhiên, mức độ phân hóa tăng trưởng sẽ là rất lớn. Trong đó, các ngân hàng đầu ngành với năng lực huy động cao hơn sẽ có thể duy trì lợi nhuận tương đối tốt hơn trong năm nay.
Bên cạnh đó, trong những năm Covid, nợ xấu tiềm ẩn cũng đã tăng lên. Điều này sẽ khiến cho các ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng, từ đó mà lợi nhuận ngành cũng có thể bị ảnh hưởng.
https://cafef.vn/co-phieu-ngan-hang-giam-manh-dieu-gi-dang-xay-ra-va-nha-dau-tu-nen-lam-gi-20220425222249087.chnNguồn: