Cổ phiếu ngân hàng OCB tăng kịch trần, tiếp tục lập đỉnh mới

20/04/2024
Trong phiên sáng 24/11, OCB lại tăng kịch trần cùng thanh khoản bùng nổ.

Phiên giao dịch sáng 24/11, cổ phiếu ngân hàng bật mạnh trở lại với tất cả các mã giao dịch trên 3 sàn đều tăng, trong đó OCB của Ngân hàng Phương Đông tăng kịch trần 7% lên 29.950 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá đỉnh mới của cổ phiếu này từ khi niêm yết tới nay (đã tính giá điều chỉnh).

OCB hút rất mạnh dòng tiền trong khoảng 4 phiên giao dịch gần đây, riêng sáng nay có tới hơn 16,5 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công, cao gấp 2,5 lần so với bình quân 10 phiên giao dịch gần nhất. 

Trước đó trong tháng 10, OCB đã là cổ phiếu ngân hàng tăng giá ấn tượng nhất với 11,3%.

Với mức giá gần 30.000 đồng, cổ phiếu OCB hiện chỉ còn cách 50 đồng so với mức giá tại thời điểm chia cổ tức tỷ lệ 25% (ngày giao dịch không hưởng quyền 2/8). Điều đó có nghĩa là, những ai giữ cổ phiếu OCB từ lúc nhà băng này chia cổ tức vào đầu tháng 8 tới nay đã được "ăn không" phần cổ tức ấy. Đây là "trái ngọt" mà cho đến thời điểm này chỉ mình cổ đông OCB được hưởng trong mùa trả cổ tức ngân hàng "đầy gia vị mặn" của năm nay.

Cổ phiếu ngân hàng OCB tăng kịch trần, tiếp tục lập đỉnh mới - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu OCB từ khi niêm yết tới nay

OCB hút nhà đầu tư nhờ kết quả kinh doanh quý 3 tích cực với trên 1.100 tỷ đồng và 9 tháng đạt 3.768 tỷ, cao gấp rưỡi cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng kiểm soát chất lượng tín dụng hiệu quả với tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,51% vào cuối tháng 9 - mức thấp kỷ lục của nhà băng này. Trong ngành, OCB đang là một trong những ngân hàng có tỷ suất sinh lời trên vốn (ROE) cao nhất.

Trong quý 4, theo lộ trình mà lãnh đạo ngân hàng đã chia sẻ với cổ đông, OCB sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, không loại trừ việc nới room vốn ngoại lên 30% từ mức 22% hiện tại để bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Các chuyên gia phân tích tin rằng, việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ sẽ không chỉ giúp OCB gia tăng năng lực tài chính, có thêm nguồn để đẩy tăng tín dụng cũng như đầu tư phát triển ngân hàng trong tương lai mà còn thúc đẩy việc đánh giá lại định giá cổ phiếu.

Riêng về room tín dụng, OCB là ngân hàng có truyền thống được cấp room tương đối cao bởi tiềm lực tốt và đáp ứng đầy đủ rất sớm các quy định của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có chuẩn Basel II. Trong 9 tháng đầu năm ngân hàng đã tăng trưởng 9,4% và đặt mục tiêu tăng 25% cho cả năm nay (nếu được NHNN cấp phép).

Ngoài tín dụng, OCB thời gian qua còn tăng mạnh nguồn thu từ dịch vụ nhờ đầu tư vào công nghệ từ sớm và đang hái nhiều trái ngọt từ chuyển đổi số. Theo kế hoạch, giai đoạn cuối năm nay và năm 2022, OCB sẽ ra mắt nhiều hơn các sản phẩm mới trên nền tảng số, kèm chiến lược marketing mạnh mẽ, điều đó dự kiến sẽ tác động tích cực hơn nữa tới kết quả kinh doanh.

Nguồn: