Trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22, cũng như còn tới hai năm nữa mới siết hẳn giới hạn, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã tiếp tục rút tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống mức sâu so với ngưỡng cho phép.
Thế tế trên tiếp tục thể hiện rõ, qua dữ liệu chính thức và cập nhật đầy đủ nhất từ Ngân hàng Nhà nước, về một số chỉ tiêu cơ bản trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 9/2019.
Theo đó, tính đến ngày 30/9/2019, tổng tài sản có toàn hệ thống đã đạt 12 triệu tỷ đồng, tăng 8,48% so với mức đạt được hồi cuối năm 2018.
Trong đó, tổng tài sản có của khối ngân hàng thương mại nhà nước (gồm AgriBank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, Ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu, ngân hàng Đại Dương) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (43,4%), đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của nhóm này chỉ đạt 7,12%, thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 9,06% (đạt gần 5 triệu tỷ đồng) và nhóm ngân hàng liên doanh nước ngoài là 11,36% (đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng).
Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố cũng cho thấy, vốn tự có của toàn hệ thống đã tăng 9,47% trong 9 tháng, trong đó nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước tăng 9,36%, đạt gần 294 nghìn tỷ đồng; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tăng 8%, đạt 365,4 nghìn tỷ đồng, nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài tăng tới 12,82%, đạt gần 184 nghìn tỷ đồng. Riêng Ngân hàng Hợp tác xã ghi nhận vố tự có giảm 3% so với đầu năm, xuống còn hơn 3.800 tỷ đồng.
Xét về vốn điều lệ, Ngân hàng Chính sách xã hội có mức tăng mạnh nhất trong 9 tháng đầu năm, với mức tăng 24,4% lên 17.288 tỷ đồng. Đứng sau là nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài, với mức tăng 6,42%.
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước hầu như không có nhiều biến động, với mức tăng vốn điều lệ chỉ 0,82% trong 9 tháng đầu năm, chủ yếu nhờ thương vụ Vietcombank bán vốn cho nước ngoài.
Tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống ở mức 12,02%, giảm so với mức 12,14% hồi cuối năm 2018.
Trong đó, CAR của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục ở mức thấp nhất, đạt 9,78%, nhích nhẹ so với mức 9,52% hồi cuối năm ngoái.
Trong khi đó, CAR nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lại giảm từ mức 11,24% xuống còn 10,81%.
CAR của nhóm ngân hàng liên doanh nước ngoài ở mức cao nhất, đạt 24,84%, dù vậy, con số này vẫn giảm khá mạnh so với mức 25,88% đạt được hồi cuối năm trước.
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống ở mức 27,34%, tiếp tục giảm so với mức 28,4% hồi cuối năm 2018, cũng như nằm rất sâu dưới ngưỡng cho phép hiện nay (40%) và thậm chí đi trước cả ngưỡng 30% mà Ngân hàng Nhà nước lập lộ trình siết lại trong hai năm tới.
Tuy nhiên, tỷ lệ trên ở mức thấp do tính bình quân với tham số kéo xuống bởi nhóm ngân hàng nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (họ gần như không dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn). Trong khi đó, tỷ lệ này tại các ngân hàng thương mại nhà nước là 29,96% và ngân hàng thương mại cổ phần là 30,89%; tại các công ty tài chính, cho thuê tài chính là 35,39%.
Trong khi đó, về khả năng sinh lời của các nhà băng, số liệu cập nhật đến hết quý II/2019 cho thấy, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) cao nhất thuộc về nhóm công ty tài chính, cho thuê với 1,64%, đứng thứ hai là Ngân hàng Chính sách xã hội với ROA đạt 0,93%.
ROA của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước ở mức khá thấp, đạt 0,45%, chỉ đứng trên Ngân hàng Hợp tác xã (0,3%) và thấp hơn ROA trung bình của toàn hệ thống là 0,54%. ROA của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 0,54% và của ngân hàng liên doanh, nước ngoài là 0,66%.
Đối với chỉ tiêu tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), Quỹ tín dụng nhân dân đang dẫn đầu với 9,11%, tiếp đến là nhóm các công ty tài chính, cho thuê với 7,79%.
ROE của các ngân hàng thương mại nhà nước đạt 8,67% và của khối ngân hàng thương mại cổ phần là 4,96%, ROE trung bình toàn ngành là 5,93%.
Nguồn: