Phiên giao dịch 22/11 chứng diễn biến giao dịch đáng chú ý tại cổ phiếu TPB của TPBank khi mã này tăng trần lên mức đỉnh lịch sử 46.500 đồng/cp. Khối lương giao dịch ở mức cao với hơn 10 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương giá trị 473 tỷ đồng.
Tính từ cuối tháng 6, thị giá TPB đã tăng tổng cộng hơn 26% và là một trong những cổ phiếu có diễn biến giá tốt nhất nhóm ngân hàng niêm yết.
Cổ phiếu TPB vẫn duy trì được ''trend'' tăng giá bối cảnh hàng loạt cổ phiếu ngân hàng lao dốc trong quý III và đầu quý IV cho thấy phần nào kỳ vọng của nhà đầu tư đối với triển vọng kinh doanh của nhà băng này.
Diễn biến cổ phiếu TPB trong những tháng qua. (Nguồn: Tradingview)
Trước đó, TPBank đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.393 tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ và thực hiện được 76% kế hoạch cả năm. Con số trên tiếp tục đưa TPBank vào nhóm những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao và ổn định nhất ngành.
Đi sâu vào kết quả kinh doanh TPBank, hiệu quả mà lợi thế của một ngân hàng số mang lại được thể hiện một cách rõ nét. Trong khi doanh thu của TPBank tăng tới 39,6% thì chi phí hoạt động chỉ tăng 9,5% qua đó kéo tỷ lệ CIR xuống chỉ còn 31,9% từ mức 40,7% của cùng kỳ 2020. Riêng quý III, tỷ lệ CIR của TPBank đạt 25,6% mức thấp nhất từ trước đến nay.
Lý giải về nguyên nhân giúp tỷ lệ CIR liên tục giảm, giới phân tích cho rằng đây là thành quả của chiến lược chuyển đổi số tại TPBank trong suốt những năm qua.
Theo SSI Research, mạng lưới LiveBank tiếp tục hỗ trợ việc mở rộng tập khách hàng và các dịch vụ thu phí. Trong quý 3/2021, số lượng khách hàng cá nhân của TPBank đạt 4,2 triệu khách (+9% so với quý trước và +26% so với cùng kỳ) trong khi khách hàng doanh nghiệp đạt 57.882 khách (+5% so với quý trước và +21% so với cùng kỳ). Số lượng khách hàng cá nhân của TPBank đã vượt qua các ngân hàng có quy mô tương đương (như VIB, HDBank) và gần tiệm cận với một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn hơn như ACB hay VPBank.
SSI Research đánh giá với sự mở rộng liên tục như vậy, khối lượng và giá trị các giao dịch ngân hàng điện tử của TPBank đã tăng lần lượt là +138% và +181% so với cùng kỳ. Ngân hàng cũng đã ra mắt ứng dụng eBank Biz dành cho khách hàng doanh nghiệp, với tổng số người dùng đạt 15.000 (26% tổng số khách hàng doanh nghiệp). Theo đó, CASA cải thiện đều đặn lên 22% (từ 19% trong năm 2020) trong khi phí từ dịch vụ thanh toán tăng +35% so với cùng kỳ.
Theo SSI Research, do chi phí đầu tư cho mỗi LiveBank thấp (khoảng 5-6 tỷ đồng cho mỗi LiveBank) và chi phí hoạt động trung bình chỉ bằng 28% so với một chi nhánh truyền thống, việc LiveBank phủ sóng ngày càng rộng cũng giúp hệ số CIR được cải thiện dần theo thời gian. Hệ số CIR (không bao gồm lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán) trong Q3/2021 là 34% (so với 41% trong năm 2020).
Được đưa vào sử dụng từ hơn 4 năm trước, ngân hàng tự động TPBank LiveBank có thể đáp ứng hầu hết các giao dịch như một quầy truyền thống từ rút tiền, nộp tiền vào tài khoản, chuyển khoản liên ngân hàng, thanh toán hóa đơn, cho đến việc mở sổ tiết kiệm với lãi suất hấp dẫn hơn tại quầy.
Từ 50 điểm ban đầu vào năm 2017, hiện nay TPBank đã đưa vào vận hành hơn 330 điểm LiveBank toàn quốc. Tổng số lượng tài khoản và thẻ mở mới của LiveBank năm 2020 là 215.000, tăng gấp 4 lần so với năm 2019. Số dư tiền gửi không kỳ hạn tăng gấp 5 lần và số dư có kỳ hạn tăng 30%. Số lượng giao dịch tăng 130% với con số ấn tượng 7 triệu giao dịch năm 2020, với giá trị giao dịch 33 nghìn tỷ, tăng 140% so với năm 2019.
Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, ước tính 3 máy Live Bank có thể thay thế một chi nhánh ngân hàng. Live Bank có thể đảm đương khoảng 80% giao dịch truyền thống trừ cho vay (do vướng các quy định về pháp lý), giúp giải bài toán mở rộng mạng lưới hoạt động nhưng vẫn đảm bảo tiết giảm chi phí và tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Chưa dừng lại ở đó, TPBank đã sử dụng các ứng dụng công nghệ số bằng robot để thay thế lao động giản đơn, "làm thay" những công việc lặp lại, nhàm chán, đơn giản mà trước kia phải bố trí nhân viên để làm. Đối với các nhân sự được thay thế, ngân hàng chuyển sang đào tạo lại để thế vào các công việc mà công nghệ và AI không thể làm được.
Đánh giá hiểu quả của các biện pháp số hóa tại TPBank, Chứng khoán Vietcombank cho rằng quy mô nhân sự tăng chậm hơn quy mô tài sản của ngân hàng và tỷ lệ chi phí CIR thấp hơn các ngân hàng có quy mô tương đương.
Bên cạnh đó, tập khách hàng tăng nhanh với các sản phẩm số hóa cũng giúp tăng trải nghiệm khách hàng. Ví dụ như giao dịch tại Livebank chỉ cần dấu vân tay và có thể hoạt động 24/7. Kết hợp với các hình thức marketing hiệu quả khác, tập khách hàng của TPBank tăng nhanh trong vài năm qua giúp cho cơ cấu huy động – cho vay của ngân hàng tăng trưởng bền vững hơn.
Nguồn: