Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) trên thị trường UPCOM với mã chứng khoán SGB. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15/10 là 25.800 đồng/cp.
Saigonbank là ngân hàng nhỏ, được thành lập từ năm 1987 với vốn điều lệ ban đầu 650 triệu đồng. Sự ra đời của ngân hàng nằm trong chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM. Đến tháng 9/2012 vốn điều lệ của ngân hàng được nâng lên 3.080 tỷ đồng và duy trì cho tới thời điểm hiện tại. Từ năm 2014, Saigonbank đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên mức 4.080 tỷ đồng song đến nay vẫn chưa thực hiện được. Mức vốn điều lệ sát mức sàn quy định sẽ là rào cản lớn để ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh.
Về vốn điều lệ, Saigonbank nằm ở nhóm thấp nhất trong hệ thống ngân hàng, xếp cùng nhóm với các nhà băng như: VietABank, NamABank, Viet Capital Bank, KienlongBank, VietBank, NCB….
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trong 5 năm trở lại đây của Saigonbank cho thấy bức tranh có nhiều biến động, trồi sụt. Sau một chuỗi sụt giảm đến 94% lợi nhuận từ năm 2010 đến năm 2015 do trích lập dự phòng nợ xấu hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận ngân hàng này có dấu hiệu phục hồi từ năm 2016 - ghi nhận lợi nhuận 139 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2017 lợi nhuận của ngân hàng này lại sụt giảm mạnh về mức 55 tỷ đồng, đến 2018 tiếp tục giảm xuống còn 41 tỷ đồng, nhưng đến năm 2019 lại bất ngờ bật tăng lên mức 144 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh trong năm nay tính đến hết quý 2/2020 của Saigonbank đầy ấn tượng khi chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế đạt 125 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ 2019, hoàn thành 96% kế hoạch năm. Lợi nhuận tăng mạnh nhưng đáng chú ý là kết quả kinh doanh từ một số hoạt động chính yếu lại giảm sút như thu nhập lãi thuần lại ghi nhận giảm 2%, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 20%. Đóng góp chủ yếu vào lợi nhuận lại từ việc ngân hàng giảm 86% chi phí dự phòng rủi ro trong nửa đầu năm 2020.
So sánh kết quả kinh doanh của Saigonbank với các ngân hàng cùng nhóm trong 2 năm trở lại đây có thể thấy Saigonbank không có sự nổi trội nào, nằm trong nhóm nhà băng có kết quả kinh doanh kém khả qua. Cụ thể, năm 2019 NamABank, VietBank ghi nhận kết quả tích cực với mức lợi nhuận trước thuế lần lượt là 925 tỷ đồng và 613 tỷ đồng. Thấp hơn có VietABank ghi nhận 302 tỷ đồng. Còn lại là Saigonbank, VietCapitalBank, KienLongBank với mức lợi nhuận lần lượt là 144 tỷ đồng, 158 tỷ đồng và 86 tỷ đồng. Riêng KienLongBank là vì trích lập dự phòng lớn.
Từ những dữ liệu trên, nhà đầu tư hoàn toàn có cơ sở để đặt câu hỏi về mức giá tham chiếu của cổ phiếu SGB khi niêm yết: Tại sao lại là 25.800 đồng/cp? Mức giá này khác biệt hẳn so với các nhà băng cùng nhóm hiện đang giao dịch trên sàn chứng khoán hoặc chuẩn bị niêm yết, thậm chí là gấp vài lần. Mức giá có quá cao so với giá trị của doanh nghiệp?
Kết quả kinh doanh không thật ổn định nhưng Saigonbank lại vẫn được nhiều nhà đầu tư săn đón. Nguyên nhân đầu tiên được kể đến là do Sagonbank có khối bất động sản khá lớn như: Khách sạn Riverside Hotel trên đường Tôn Đức Thắng; Hội sở chính của Saigonbank tại số 2C - Phó Đức Chính (quận 1, TP.HCM) cũng là khu đất vàng; tòa nhà nằm trên đường Châu Văn Liêm (quận 5, TP.HCM) với 2 mặt tiền; ngôi nhà ở 40 - Nguyễn Thái Bình (quận 1, TP.HCM) cùng nhiều khối bất động sản lớn khác ở quận 7 (TP.HCM), Lào Cai, Đắc Lắk…
Quan trọng hơn cả là cơ cấu sở hữu của Saigonbank cho đến thời điểm hiện tại là rất cô đặc, không có hình bóng các ông chủ tư nhân như các NHTM khác. Tính đến ngày 29/5/2020, cổ đông lớn nhất của Saigonbank là Văn phòng Thành ủy TPHCM nắm 18,18% vốn. Công ty TNHH MTV Xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận nắm giữ 16,64% và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa nắm 16,35%, kế đến là Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) với tỷ lệ sở hữu 14,08%. Bốn đơn vị này đang nắm giữ 65,25% vốn của Saigonbank.
Mới đây, Thành ủy TP.HCM cho biết sẽ lui về vai trò giám sát và không làm kinh tế nữa. Được biết, Thành ủy TP.HCM đang có khoản vốn góp lớn tại 2 ngân hàng là Saigonbank và DongABank. Như vậy, với chủ trương trên, có thể trong thời gian tới Thành ủy TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc thoái vốn tại doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng.
Như vậy, khi các cổ đông Nhà nước thoái vốn để tuân thủ các quy định của Nhà nước thì Saigonbank có thể sẽ trở thành mục tiêu thâu tóm của không ít các đại gia.
Cùng với đó, cũng phải lưu ý rằng, dù có quy mô vốn nhỏ nhất thị trường, nhưng bảng cân đối kế toán của Saigonbank về cơ bản được coi là sạch, không có những khoản cho vay nhiều vấn đề như các nhà băng khác.
Trong khoảng gần 1 tháng trở lại đây, sau khi xuất hiện những thông tin đầu tiên về việc SGB sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCOM, đã có sự sôi động hơn trong giao dịch mua bán cổ phiếu của ngân hàng này với mức giá dao động từ 19.000 - 20.000 đồng/cp. Đây là mức giá cao hơn hẳn mức giá giao dịch vào tháng 9 của cổ phiếu này là khoảng 10.000 - 11.000 đồng/cp.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, cổ đông chi phối tỷ lệ vốn lớn tại Saigonbank là Vietcombank, Vietinbank cũng lần lượt phải thoái vốn theo lộ trình đưa ra tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Gần đây nhất, tháng 11/2017, Vietcombank đấu giá thành công hơn 13,2 triệu cổ phần (4,3% vốn) tại Saigonbank. Có tới 54 triệu cổ phần Saigonbank được đăng ký mua, gấp 4 lần khối lượng chào bán và giá đấu thành công được đẩy lên tới 20.100 đồng/cp - tăng vọt so với giá đấu khởi điểm 12.550 đồng/cp.
Nguồn: