NHNN chi nhánh TP.HCM vừa có công văn 1580 về việc triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19, trong đó yêu cầu các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Theo đó, NHNN TP.HCM yêu cầu các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN.
Bên cạnh đó, thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính để hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Các TCTD căn cứ năng lực, khả năng tài chính của đơn vị mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác. Các TCTD phải công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.
Ảnh minh họa
Các TCTD cũng phải chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, khách hàng trên địa bàn hoạt động của các TCTD để tìm hiểu nhu cầu vốn, đáp ứng kịp thời vốn cho tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời chủ động rà soát, đánh giá tình hình khó khăn, thiệt hại do dịch Covid-19, trên cơ sở đó có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…
Trước đó, NHNN Việt Nam đã có Công văn 3947 yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc/Giám đốc các TCTD; Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19; trong đó yêu cầu các TCTD thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp.
Theo SCB, ngân hàng đã rà soát mức độ, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có phương án hỗ trợ thích hợp và đã tích cực triển khai các gói hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 1% đối với các khoản vay mới. Không chỉ SCB, các ngân hàng khác cũng tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng theo tinh thần của Thông tư 01 và Thông tư 03 của NHNN.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng triển khai nhiều giải pháp khuyến khích khách hàng sử dụng hình thức giao dịch, thanh toán trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Đơn cử, Ngân hàng Bản Việt, miễn toàn bộ phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống và tặng 50.000 đồng nếu khách hàng giao dịch xác thực điện tử (eKYC); hoàn tiền đến 500.000 đồng khi thanh toán tại khu mua sắm Điện Máy Xanh và nhiều ưu đãi hoàn tiền trên các trang thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee; Thẻ tín dụng cho doanh nghiệp được ngân hàng này cam kết không thu phí và chỉ áp dụng lãi suất 1,25%/tháng sau 55 ngày đầu miễn lãi.
Đặc biệt các ngân hàng luôn triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm đảm bảo giao dịch được an toàn, thông suốt. Theo đó, các ngân hàng đã tạm dừng các cuộc họp, hội nghị không cần thiết hoặc chuyển sang chế độ online nhằm thực hiện giãn cách theo chỉ thị của Chính phủ và chính quyền các địa phương. Các ngân hàng đã cho nhân viên làm việc luân phiên tại các trụ sở tòa nhà chính, số còn lại làm việc online tại nhà kể từ khi có lệnh giãn cách của thành phố vào đầu tháng 6/2021. Thậm chí một số TCTD như Kienlongbank còn cho một số phòng giao dịch tạm dừng hoạt động sáng thứ Bảy để tăng cường giao dịch trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Theo một chuyên gia tài chính, việc thay đổi hoạt động giao dịch sang hướng tăng cường điện tử tạo tiện ích cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ giảm chi phí quản lý, chi phí đầu vào, kéo theo giảm chi phí đầu ra và giảm lãi suất cho vay bền vững. Theo một khảo sát của các ngân hàng ở TP.HCM, nếu khách hàng doanh nghiệp cung cấp thông tin điện tử hóa, thời gian phê duyệt một khoản vay với các tiêu chí đánh giá, xếp loại của ngân hàng về tiêu chí tài chính, doanh thu, lợi nhuận và tài sản bảo đảm tốt sẽ rút ngắn danh mục hồ sơ từ 20%-40% so với danh mục thông thường.
Thực tế, đã chứng minh ứng dụng công nghệ để cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhờ rút ngắn tối đa thời gian giao dịch và đẩy nhanh tốc độ chu chuyển vốn. Qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn là ưu điểm nổi bật, vượt trội mà công nghệ ngân hàng hiện đại mang lại. Trong thực hiện các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hoặc xử lý tài sản đảm bảo nợ vay… điện tử hóa còn tạo hiệu quả rất lớn trong công tác quản lý và tiết kiệm chi phí.
Nguồn: