[COVID-19] Chuyên gia phân tích động thái cắt giảm lãi suất điều hành hỗ trợ doanh nghiệp

24/11/2024
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định cắt giảm tất cả các loại lãi suất điều hành để giúp các ngân hàng thương mại có nguồn vốn giá rẻ cung ứng ra thị trường.

Để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, NHNN quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 17 tháng 3 năm 2020.

Theo đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 6,0%/năm còn 5,5% năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm...

Ngoài việc giảm lãi suất điều hành, NHNN cũng thực hiện thêm việc hạ lãi suất cho vay qua đêm, cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ, lãi suất chào mua giấy tờ có giá trên thị trường mở.

Theo VNDIRECT, mức cắt giảm lãi suất điều hành cao hơn kỳ vọng trước đây, cho thấy NHNN đã thay đổi đáng kể trong góc nhìn chính sách trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và những biện pháp kiểm soát dịch bệnh gắt gao đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Phản ứng chính sách như trên nhằm mục đích hỗ trợ thanh khoản cho hoạt động kinh tế trong ngắn hạn, tương tự như cách các nền kinh tế khác đang thực hiện. Tuy nhiên, với động thái này, dư địa nới lỏng tiền tệ hơn nữa của Việt Nam sẽ hạn hẹp hơn, và nhiệm vụ ứng phó với rủi ro do ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ được chuyển sang chính sách tài khóa trong thời gian còn lại của năm 2020.

Ông Cấn Văn Lực- Chuyên gia tài chính ngân hàng: Dư địa giảm lãi suất không còn nhiều

[COVID-19] Chuyên gia phân tích động thái cắt giảm lãi suất điều hành hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính ngân hàng

Việc NHNN hạ lãi suất điều hành sẽ không hỗ trợ nhiều cho các doanh nghiệp. Bởi vì trong bối cảnh chịu nhiều cú sốc ngắn hạn, các doanh nghiệp đang cần dòng tiền hỗ trợ tức thì, trong khi việc giảm lãi suất điều hành cần phải có độ trễ.

Hơn nữa, việc giảm lãi suất cho vay hiện nay cũng sẽ không hỗ trợ nhiều đối với việc cho vay mới khi mà khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu (tín dụng toàn hệ thống ngân hàng trong 2 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 0,1% (cùng kỳ tăng 0,85%).

Trong khi đó, dư địa giảm lãi suất của Việt Nam hiện nay khá eo hẹp do áp lực lạm phát vẫn rất lớn. Chỉ số CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 đã tăng 5,91% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 7 năm. Trong khi lạm phát cơ bản tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019 (cách khá xa mức điều hành thông thường khoảng 2-2,5%).

Vì vậy, các cơ quan quản lý của Việt Nam nên khẩn trương thực hiện các nhóm giải pháp tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, như tập trung nhóm giải pháp giãn, hoãn các nghĩa vụ trả nợ của người dân, doanh nghiệp (như miễn giảm phí/thuế, giãn-hoãn nợ vay và tiền thuế, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn, tăng chi tiêu đầu tư công…).

TS. Vũ Đình Ánh- Chuyên gia tài chính: Điều doanh nghiệp cần chính là giãn, hoãn nợ

Việc cắt giảm lãi suất điều hành sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí vốn ngắn hạn. Từ đó các ngân hàng thương mại có thêm dư địa giảm lãi suất, giãn nợ, cơ cấu lại nợ… cho doanh nghiệp.

[COVID-19] Chuyên gia phân tích động thái cắt giảm lãi suất điều hành hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 2.

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia tài chính

Đối với trần lãi suất huy động chỉ liên quan đến lãi suất huy động dưới 6 tháng. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay hầu hết các ngân hàng đều tập trung vào huy động vốn trên 1 năm, nhưng loại lãi suất này không được điều chỉnh. Bởi vì việc điều chỉnh lãi suất dài hạn thường khó khăn hơn do lãi suất dài hạn còn phụ thuộc vào lạm phát. Nếu cố giảm lãi suất tiền gửi dài hạn xuống mức thấp trong bối cảnh lạm phát cao thì dòng tiền có nguy cơ sẽ chảy ra thị trường tài sản đầu cơ, tạo ra các bong bóng tài sản. Như vậy, quyết định giảm lãi suất điều hành vừa qua của NHNN tác động rất ít đến mặt bằng lãi suất huy động hiện tại trên thị trường.

Đối với lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu chủ yếu liên quan đến vấn đề thanh khoản của các ngân hàng. Sở dĩ NHNN giảm các loại lãi suất này do nhiều khách hàng của các ngân hàng gặp khó khăn, không trả được nợ khi đến hạn, ảnh hưởng tới thanh khoản của các ngân hàng.

Vấn đề của doanh nghiệp hiện nay không phải là đi vay mới, vì họ không có nhu cầu vay do hoạt động sản xuất kinh doanh gần như bị tê liệt. Vấn đề doanh nghiệp lo ngại nhất hiện nay là nghĩa vụ tài chính của họ khi khoản vay đáo hạn, đặc biệt là các khoản vay tín dụng ngân hàng. Doanh nghiệp cần giãn, hoãn các nghĩa vụ tài chính liên quan đến trả nợ gốc, lãi vay đối với các khoản nợ cũ, chứ không phải là giảm lãi suất cho vay của hợp đồng tín dụng mới. Tuy nhiên, các ngân hàng cần thận trọng với việc đảo nợ.

Nguồn: