Từ nguồn tin và dữ liệu của tờ Sueddeutsche Zeitung chia sẻ, nhiều tờ báo sau đó đã điều tra và phát hiện các sai phạm về "tiền bẩn" của Credit Suisse trên quy mô toàn cầu trong suốt một thời gian dài.
Theo tờ New York Times, các dữ liệu trên cho thấy nhiều tài khoản đã được mở từ 1940 đến nay. Tờ Guardian lại cho biết nhiều tài khoản trong số này vẫn còn đang mở.
Theo Bloomberg, Credit Suisse đã quản lý hơn 18.000 tài khoản nắm giữ hơn 100 tỷ USD "tiền bẩn", nhiều tài khoản liên quan đến các hoạt động vi phạm nhân quyền, tham nhũng, buôn lậu ma túy, nhiều tài khoản trong số đó vẫn còn hoạt động.
Tờ Times cho biết, có khoảng 25 tài khoản nắm giữ 270 triệu đô thuộc về những cá nhân bị cáo buộc liên quan đến công ty dầu quốc doanh của Petroleos de Venezuela SA của Venezuela. Một tài khoản khác thuộc về một doanh nhân người Zimbabwe, người hiện đang chịu lệnh trừng phạt bởi chính phủ Mỹ và châu Âu vì cáo buộc liên quan đến cựu tổng thống Mugabe của Zimbabwe.
Theo tờ Guardian, các chủ tài khoản ở Credit Suisse bao gồm cả những đối tượng buôn người ở Philippines, một quan chức sở giao dịch chứng khoán ở HongKong đang phải ngồi tù vì cáo buộc hối lộ, danh sách cũng bao gồm các quan chức tham nhũng ở Ai Cập và Ukraine.
Trả lời trước báo chí về vấn đề này Credit Suisse bác bỏ mọi cáo buộc. "Các vấn đề được nêu ra chủ yếu trong quá khứ, trong một số trường hợp có từ những năm 1940, và các báo cáo về những vấn đề này dựa trên thông tin một phần, không chính xác hoặc có chọn lọc được đưa ra ngoài ngữ cảnh, dẫn đến các diễn giải có mục đích về hoạt động kinh doanh của ngân hàng", ngân hàng này cho biết.
Cũng theo ngân hàng này, khoảng 90% tài khoản trên đã và đang được đóng với khoảng 60% số tài khoản đã được đóng trước 2015.
Nguồn: