Cuộc đua ngân hàng số đang ngày càng gay cấn hơn. Mới đây, nhiều ngân hàng như TPBank, HDBank, VietCapitalBank, VPBank,…đều cho biết đang triển khai xác thực định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) trên ứng dụng di động. Đây được xem là bước quan trọng để các ngân hàng đẩy nhanh quá trình số hóa.
Trong khi đó, "ông lớn" Vietcombank cũng rầm rộ ra mắt ứng dụng ngân hàng số VCB Digibank, còn tự nhận đây là dịch vụ mới nổi bật với sự đồng nhất về trải nghiệm, dễ dàng trong thao tác, tích hợp nhiều giải pháp bảo mật ưu việt.
Nhận định về cuộc đua số hóa của các nhà băng trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế tài chính TS. Cấn Văn Lực nói: "Đó là xu thế tất yếu. Đầu tư công nghệ là đầu tư hiệu quả". Vị chuyên gia cho biết thêm, việc các ngân hàng đầu tư công nghệ sẽ khá tốn kém ban đầu, nhưng sẽ đem lại lợi ích cuối cùng. Phần đầu tư công nghệ của ngân hàng giả sử làm tăng chi phí hoạt động khoảng 7% thì doanh thu đem về cho ngân hàng, lợi ích cho ngân hàng là lớn gấp đôi, tăng khoảng 12-15%.
"Hơn nữa các ngân hàng chuyển đổi số là vì khách hàng. Khách hàng ngày nay đòi hỏi cao hơn, chỉ thích giao dịch ngân hàng số", ông nói.
Theo TS. Cấn Văn Lực, quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng có thể chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là giai đoạn các ngân hàng tìm hiểu, số hóa một số quy trình sản phẩm dịch vụ. Giai đoạn 2 là ý tưởng ngân hàng số chính thức, mức độ số hóa cao hơn, có thể lên đến 60-70% các hoạt động ngân hàng được số hóa. Giai đoạn thứ 3 là số hóa hoàn toàn, tức một số ngân hàng sẽ thành lập riêng một Digital Bank, một ngân hàng số hoàn toàn độc lập.
Nhận xét về tiến độ thực hiện chuyển đổi số của mặt bằng hệ thống ngân hàng Việt hiện nay, TS. Cấn Văn Lực cho biết có sự chênh lệch vì tùy vào chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng mà quá trình thực hiện có sự khác nhau. "Hiện có nhiều ngân hàng mới chỉ giai đoạn 1, có ngân hàng đã ở giai đoạn 2 và cũng có ngân hàng đang bắt đầu giai đoạn 3, có ngân hàng số nhỏ riêng".
Vị chuyên gia nêu ví dụ, chẳng hạn, ngân hàng Tiên Phong đã có LiveBank riêng, VPBank trước đây có Timo,…đó là mô hình tương đối độc lập so với ngân hàng hiện tại, tuy nhiên vẫn chủ yếu phục vụ khách hàng hiện tại của ngân hàng. Vietcombank mới đây ra mắt ngân hàng số nhưng VCB Digibank cũng mới ở giai đoạn đầu.
"Vietcombank hay BIDV là những ngân hàng lớn, họ bắt đầu câu chuyện số hóa được một thời gian khi triển khai ngân hàng điện tử, và bây giờ có một mảng số hóa nhưng còn tương đối nhỏ, số hóa một số quy trình hoặc sản phẩm dịch vụ chứ chưa số hóa cả ngân hàng", vị chuyên gia nhận định.
Trên thực tế, dù đều xác định chuyển đổi số là mục tiêu hàng đầu, nhưng sự chuẩn bị và sẵn sàng cho số hoá cũng như tiến độ thực hiện của các ngân hàng hiện nay khá chênh lệch. Chẳng hạn, dựa theo báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2019 (ICT Index 2019) thì BIDV liên tục tục đứng đầu về ICT Index trong các ngân hàng thương mại suốt từ 2017-2019, và đứng đầu về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT. Chỉ số ICT Index năm 2019 của BIDV là 0,75 điểm, những ngân hàng tiếp theo sau là NamABank, Techcombank, TPBank, MBBank,…và có nhà băng thấp nhất chỉ ở mức 0,26 điểm. Ở nhóm Big4, cùng là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, nhưng chỉ số ICT Index 2019 của Vietcombank và VietinBank lại thấp hơn khá nhiều, chỉ đứng thứ 18 và 22 trong hệ thống NHTM.
TS Cấn Văn Lực nhận xét, sự phân hóa mạnh về tiến độ chuyển đổi số giữa các ngân hàng là điều bình thường vì phụ thuộc vào mức độ phát triển cũng như chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng, năng lực của họ. Nhiều ngân hàng muốn số hóa nhanh nhưng còn phải có năng lực về tài chính, nhân lực.
Ông Lực cũng cho rằng, những định chế tài chính đi đầu, đi nhanh sẽ có lợi thế lâu dài trong cuộc đua số hóa. nhưng trong bối cảnh kinh tế số hiện nay, vấn đề không nằm ở quy mô mà vấn đề là ai có tốc độ triển khai nhanh hơn. Trên thực tế, nhiều ngân hàng nhỏ, ngân hàng quy mô vừa cũng rất nhanh chân trong cuộc đua ấy, một số còn rất chủ động đi đầu.
Nguồn: