Cuộc đua ví điện tử: Khuyến mãi không phải là tất cả

23/11/2024
Theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc đua giành thị phần giữa các ví điện tử sẽ ngày càng khốc liệt và để chiếm ưu thế trên đường đua, khuyến mãi chỉ là giải pháp tạm thời, còn nâng cao chất lượng mới chính là yếu tố cốt lõi để các ví điện tử có thể chinh phục người dùng.

Số liệu cập nhật đến ngày 20/8 của NHNN cho thấy, đã có 37 tổ chức không phải ngân hàng được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó 34 tổ chức là các ví điện tử.

Tuy xuất hiện ngày càng đông đảo nhưng thực tế cho thấy chỉ có một số ví điện tử đang chiếm ưu thế trên thị trường. Khảo sát được thực hiện bởi Cimigo triển khai tại Hà Nội và TP HCM vào quý IV cho thấy, MoMo, Moca và ZaloPay là ba ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất ở hai thành phố này, chiếm tới 90% thị phần người dùng ví điện tử.

Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Ví MoMo cho biết, năm 2019 MoMo có 10 triệu người dùng, đến tháng 9/2020 con số tăng lên 20 triệu người dùng.

Trong suốt thời gian qua, thị trường đã chứng kiến cuộc đua “đốt tiền” của các ví điện tử khi liên tục tung ra nhiều khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn để thu hút người dùng. Nhận định về điều này, theo ông Diệp, về mặt cảm quan, hầu hết mọi người đều nghĩ nhờ có khuyến mãi thì người dùng mới sử dụng ví điện tử, tuy nhiên điều này hoàn toàn không chính xác.

Cuộc đua ví điện tử: Khuyến mãi không phải là tất cả - Ảnh 1.

Cổ phiếu ngân hàng đang có mức tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường trong 6 tháng gần đây.

Khách hàng hiện nay rất thông thái, việc dùng khuyến mãi để thu hút khách hàng là cách làm truyền thống, chỉ hiệu quả khi thị trường còn mới và khách hàng chưa hiểu rõ về sản phẩm. Về lâu dài chỉ có chất lượng mới chinh phục được người dùng.

Với MoMo, ông Diệp cho biết trong một, hai năm gần đây, ví điện tử này đã không dùng khuyến mãi để thu hút khách hàng. Thay vào đó tập trung vào việc mang lại trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho người dùng, cung cấp toàn bộ những dịch vụ cần thiết trong cuộc sống...

Cũng đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, khi ví điện tử ngày càng phổ biến ở Việt Nam, đồng thời cùng tung ra nhiều khuyến mãi hấp dẫn thì an toàn, bảo mật và sự tiện lợi chính là những yếu tố để giữ chân người dùng.

Minh chứng thực tế, nhiều người dùng chia sẻ chỉ cài ví điện tử để sử dụng khuyến mãi cho lần thanh toán đầu sau đó sẽ gỡ bỏ. Cụ thể, một số ví điện tử có chương trình ưu đãi tặng quà từ 50.000 - 100.000 đồng cho lần đầu thanh toán, sau khi sử dụng lần khuyến mãi này, nhiều người cho biết đã gỡ bỏ một số ứng dụng ví điện tử vì không muốn sử dụng quá nhiều ví. Chị Hoàng Bích Ngọc (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Khi rạp chiếu phim có chương trình mua vé qua ví điện tử sẽ được mức giá chỉ 1 nghìn đồng, mình đã cài đặt ví để mua sau đó vì không còn nhu cầu sử dụng nên đã gỡ bỏ ứng dụng. Mình cũng cài nhiều ví trên điện thoại nhưng ít khi dùng tới”.

Theo ông Hiếu, mỗi người không nhất thiết phải có nhiều ví điện tử cùng một lúc, điều đó sẽ gây ra tình trạng khó kiểm soát chặt chẽ chi tiêu và có nguy cơ mất an toàn. Cần chọn những ví điện tử có sự tiện lợi, an toàn, bảo mật cao. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, sự tiện lợi phải nằm ở hai phía, phía ví điện tử và các điểm chấp nhận thanh toán. Tuy nhiên hiện nay mỗi ứng dụng mua hàng hay các siêu thị, cửa hàng bán lẻ lại sử dụng loại ví khác nhau. Vì vậy khách hàng sẽ không thể thanh toán nếu như không có ví liên kết phù hợp.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Bá Diệp, trong khoảng ba năm gần đây khi doanh nghiệp đủ lớn, MoMo đã mở rộng hệ sinh thái,  phát triển tính năng sâu hơn, như mua vé xem phim, mua vé máy bay trực tiếp trên app… với mong muốn người dùng thanh toán bằng Ví MoMo như một thói quen hàng ngày thông qua sự tiện lợi và phổ biến.

Đối với câu chuyện các ví điện tử cùng “bắt tay” để tạo ra một hệ sinh thái tiện lợi hơn cho người dùng, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là điều nên làm nhưng không dễ dàng bởi vấn đề nằm ở mặt kỹ thuật. Hiện các đơn vị đều xây dựng hệ thống độc lập, công nghệ sử dụng cũng hoàn toàn khác nhau dẫn đến khó tương thích. “Trong ngân hàng có hệ thống thanh toán bù trừ nhưng với ví điện tử thì không, vì vậy khó có thể bắt tay nhau để cùng phục vụ khách hàng”, ông Hiếu nhận định.

Cũng theo ông Diệp, nhu cầu của khách hàng về một ứng dụng có tất cả trong một là điều dễ hiểu và phù hợp với xu thế chung của việc phát triển ứng dụng trên thế giới. Tuy nhiên, ngoài yếu tố kỹ thuật, về mặt chiến lược kinh doanh, thực tế có nhiều ví hiện nay ra đời chỉ để phục vụ, bổ trợ cho hệ sinh thái của một đơn vị kinh doanh đa ngành hơn là đặt nặng vấn đề thị phần nên rất khó để hợp tác.

Nguồn: