Đà Nẵng có thêm 72 triệu USD mỗi năm nếu tăng thanh toán số

29/11/2024
Đà Nẵng Tăng cường tích hợp các giải pháp thanh toán số ở cả lĩnh vực công và tư có thể giúp kinh tế Đà Nẵng tăng 0,34%.

Đây là kết quả từ Nghiên cứu "Thành phố không tiền mặt: Nhìn nhận lợi ích của thanh toán điện tử" do Roubini ThoughtLab thực hiện với sự ủy thác của Visa.

Cụ thể, theo nghiên cứu này, nếu kinh tế Đà Nẵng đạt "mức độ không tiền mặt khả thi" – được định nghĩa là khi toàn bộ cư dân chuyển sang sử dụng thanh toán điện tử với mức độ tương đương top 10% người dùng hiện tại – có thể giúp số lượng việc làm tăng 3%, năng suất công việc tăng 3,4%, tiền lương tăng 3,1% và GDP của thành phố tăng 0,34%.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, nhận định chiến lược phát triển Đà Nẵng thành một thành phố không tiền mặt có thể được thúc đẩy bởi những sáng kiến về chính phủ điện tử, chẳng hạn như giải ngân phúc lợi và hoàn thuế thu nhập trên nền tảng kỹ thuật số, thanh toán phí công tác của nhân viên nhà nước bằng hình thức điện tử, cũng như đóng thuế và các phí tiện ích trực tuyến.

"Đà Nẵng vốn nổi tiếng là thành phố của những sáng kiến công nghệ, đặc biệt, có thể kể đến việc thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng vào đầu năm nay. Thông qua việc tích hợp các phương thức thanh toán số ở cả lĩnh vực công và tư nhân, các khía cạnh trong cuộc sống hằng ngày của người dân sẽ được cải thiện, đơn giản hóa và song song đó, chính phủ cũng có thể quản lý nền kinh tế hiệu quả hơn," bà Dung cho biết.

Tại Việt Nam, hiện có nhiều người dân tham gia vào hệ sinh thái ngân hàng khi số lượng người sở hữu thẻ đang ngày càng tăng. Theo kết quả từ Báo cáo Thái độ thanh toán của người tiêu dùng của Visa năm 2018, xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng vì gần hai phần ba người tiêu dùng Việt Nam tham gia khảo sát khẳng định họ mong muốn tăng cường sử dụng thanh toán số trong năm tới.

Để thực hiện nghiên cứu này, Roubini Thoughtlab đã khảo sát 3.000 người tiêu dùng và 900 doanh nghiệp trong năm 2016 tại 6 thành phố Tokyo, Chicago, Stockholm, Sao Paolo, Bangkok và Lagos với các mức độ phát triển thanh toán số khác nhau. Các khảo sát này nghiên cứu việc sử dụng, chấp nhận và tác động về lợi ích và chi phí của tiền vật lý và tiền kỹ thuật số.

Sau đó, chuyên gia đã ngoại suy các kết quả khảo sát này dựa trên dữ liệu cụ thể về nhân khẩu học và kinh tế đến 94 thành phố khác trên thế giới để xác định lợi ích ròng của việc chuyển sang nền kinh tế không tiền mặt đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp ở mỗi địa điểm.

Thông qua các nguồn khác, nghiên cứu cũng đã xác định được các tác động khả thi lên chính phủ. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của World Bank, OECD và các nguồn dữ liệu thứ cấp khác để hỗ trợ việc khảo sát và xây dựng kết quả tổng thể. Mô hình kinh tế lượng toàn cầu của Viện quốc gia (NiGEM) được sử dụng để ước tính các tác động mang tính "xúc tác" (tăng trưởng kinh tế, năng suất công việc, số lượng việc làm và tiền lương) của sự thay đổi trong lĩnh vực thanh toán số lên 100 thành phố được phân tích, trong đó có Đà Nẵng.

Viễn Thông

Nguồn: