Đại án Ngân hàng Đông Á: Ông Trần Phương Bình lãnh án chung thân

23/11/2024
Đóng vai trò cầm đầu trong hàng loạt sai phạm gây thiệt hại hơn 8.800 tỉ đồng, bị cáo Trần Phương Bình nhận án tù chung thân cùng trách nhiệm bồi thường thiệt hại với số tiền lên đến hơn 1.000 tỉ đồng

Chiều 27-11, TAND TP HCM kết thúc xét xử sơ thẩm và công bố hình phạt đối với 12 bị cáo trong đại án Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) thất thoát hơn 8.800 tỉ đồng.

Theo đó, tòa sơ thẩm phạt bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB) mức án chung thân về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản"; 20 năm về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Tổng hợp hình phạt chung bị cáo này chấp hành là tù chung thân.

Đại án Ngân hàng Đông Á: Ông Trần Phương Bình lãnh án chung thân - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Phương Bình (phải) bị phạt tù chung thân

Đóng vai trò quan trọng chỉ sau bị cáo Trần Phương Bình trong hàng loạt sai phạm, bị cáo Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP M&C) lãnh 18 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Tương tự, HĐXX phạt bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Vân (nguyên Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB) 4 năm tù giam cùng về tội danh trên.

Ngoài ra, HĐXX buộc 9 bị cáo (từng là cán bộ, nhân viên DAB) chấp hành hình phạt từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 20 năm tù.

Đại án Ngân hàng Đông Á: Ông Trần Phương Bình lãnh án chung thân - Ảnh 2.

HĐXX sơ thẩm công bố hình phạt đối với các bị cáo

Quá trình xét xử và lượng hình, HĐXX đã ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ, như: thái độ khai báo thành khẩn, hối cải, nhân thân tốt, cống hiến trong quá trình đảm nhiệm chức vụ, nuôi con nhỏ…

Căn cứ hồ sơ và diễn biến tại tòa, cấp sơ thẩm kết luật tội phạm bị cáo Trần Phương Bình cùng đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. Giai đoạn 2007 - 2013, lợi dụng vai trò lãnh đạo DAB, bị cáo Trần Phương Bình bàn bạc, chỉ đạo đồng phạm thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội, gây thiệt hại 8.744 tỉ đồng tỉ đồng.

Cụ thể, bị cáo Bình chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ tín dụng, thông qua hợp đồng vay vốn có tài sản bảo đảm không đủ điều kiện, không thẩm định hồ sơ vay. Bị cáo chỉ đạo cấp dưới thông qua nhiều hồ sơ vay vốn sai quy trình; tạo điều kiện giúp nhiều nhóm khách hàng (trong đó có nhóm khách hàng M&C do Phùng Ngọc Khánh cầm đầu) vay DAB hàng ngàn tỉ đồng. Ngoài ra, bị cáo chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ khống với mục đích chiếm đoạt tiền ngân hàng. Không chỉ vậy, bị cáo Trần Phương Bình còn chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội hòng "rút ruột" 75,6 tỉ đồng.

HĐXX nhận định bị cáo Trần Phương Bình là chủ mưu, cầm đầu trong vụ án. Vì vậy, bị cáo Bình phải chịu trách nhiệm hình sự đối với toàn bộ số tiền thất thoát. Tòa án cần xử phạt bị cáo mức án nghiêm khắc hơn những bị cáo còn lại.

Là người thành lập, thao túng nhóm khách hàng M&C, bị cáo Phùng Ngọc Khánh thông đồng với bị cáo Bình cũng như những bị cáo, người liên qua khác thế chấp tài sản đảm bảo không đủ điều kiện, vay tiền nhiều lần với mục đích đảo nợ tại DAB. Những khoản vay do nhóm khách hàng M&C đứng tên vay ở DAB không có khả năng tất toán khiến ngân hàng thiệt hại khoảng 3.600 tỉ đồng.

Những bị cáo từng là cán bộ, nhân viên DAB không tiếp xúc khách hàng, không thẩm định tài sản bảo đảm... trong quá trình duyệt, thông qua hồ sơ vay vốn. Qua xác minh, nhiều tài sản thế chấp tại DAB không có giá trị; công ty vay vốn hầu như không còn hoạt động kinh doanh. Từ đó, HĐXX nhận định hậu quả nghiêm trọng xảy ra xuất phát từ hành vi sai phạm các bị cáo thực hiện. Các bị cáo coi chỉ đạo của Trần Phương Bình trên cả quy định pháp luật.

Ngoài bị cáo Khánh, 10 bị cáo còn lại đều là thuộc cấp, riêng bị cáo Vân còn là người thân của bị cáo Bình. Vì vậy, họ phần nào chịu sự chi phối nhất định từ bị cáo Bình trong quá trình công tác. Khi lượng hình, HĐXX đánh giá tính chất, mức độ phạm tội của từng bị cáo.

Đối với quan điểm tách vụ án thành nhiều giai đoạn gây bất lợi cho bị cáo, làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan, HĐXX đánh giá mọi sai phạm đều liên quan nhiều hành vi phạm tội, nhiều đối tượng. Thậm chí, đối tượng là chủ doanh nghiệp đứng ra vay tiền đã bỏ trốn. Do đó, phương án tách vụ án xử lý từng giai đoạn là hợp lý, phù hợp luật định.

Về trách nhiệm dân sự, TAND TP HCM căn cứ mức độ thiệt hại, vai trò từng bị cáo, cá nhân, tổ chức liên quan để tính toán mức bồi thường. Do trực tiếp chiếm đoạt hơn 75,6 tỉ đồng nên bị cáo Bình phải có trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ số tiền trên cùng lãi suất phát sinh tính đến thời điểm cơ quan chức năng khởi tố vụ án. Bên cạnh đó, HĐXX buộc bị cáo này bồi thường hơn 1.000 tỉ đồng (gốc và lãi). Đây là số tiền thất thoát từ hành vi lập chứng từ khống.

Tòa sơ thẩm yêu cầu nhiều cá nhân, doanh nghiệp có quyền và nghĩa vụ liên quan (tham gia vay vốn ở các nhóm khách hàng), liên đới bồi hoàn cho DAB.

Đồng thời, cơ quan xét xử sơ thẩm tiếp tục làm rõ chủ sở hữu, kê biên, phong tỏa nhiều tài sản liên quan đến các khoản vay nhằm đảm bảo thu hồi tiền thiệt hại.

Nguồn: