Trong báo cáo triển vọng năm 2020 mới đây, VNDirect nhận định, tăng vốn sẽ là một vấn đề của ngành ngân hàng trong năm 2020. Đây vẫn tiếp tục là bài toán khó với các nhà băng trước ngưỡng cửa Basel II và Basel II nhiều khả năng sẽ không thể được áp dụng cho toàn bộ hệ thống vào năm 2020.
Trên thực tế, trong năm 2019, mặc dù đa số ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn, nhưng thực tế theo khảo sát của chúng tôi, chỉ có khoảng 11 nhà băng thực hiện được điều này. Dù vậy, trong 11 ngân hàng đó, nhiều nhà băng cũng chỉ tăng vốn được một phần so với dự định ban đầu.
Ngân hàng tăng vốn điều lệ nhiều nhất trong năm qua là BIDV với hơn 6.000 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ của ngân hàng lên mức cao nhất hệ thống, đạt hơn 40.200 tỷ. BIDV đã bán thành công 15% cổ phần cho ngân hàng Hàn Quốc Keb Hana Bank.
Ngân hàng tăng vốn nhiều thứ 2 là MBBank, vốn điều lệ tăng từ 21.600 tỷ lên 23.700 tỷ đồng, chủ yếu nhờ phát hành cố phiếu để chia cổ tức. Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên của MBBank dự kiến vốn điều lệ trong năm nay sẽ tăng lên hơn 25.800 tỷ đồng.
Các ngân hàng như Vietcombank, SeABank, LienVietPostBank, BacABank, NCB cũng tăng vốn điều lệ thêm được từ 1.000 tỷ - 1.700 tỷ.
Bảng xếp hạng vốn điều lệ các ngân hàng sẽ còn nhiều thay đổi trong thời gian tới, khi BIDV và Vietcombank, MBBank đều đang tiếp tục có kế hoạch chào bán riêng lẻ.
VietinBank cũng dự kiến tăng được vốn trong năm nay từ việc giữ lại lợi nhuận năm 2017-2018.
Một số ngân hàng nhỏ như OCB và NCB cũng đều có kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Nguồn: