"Điệp khúc" thiếu vốn vẫn xuất hiện

11/01/2025
Cả ngân hàng thương mại Nhà nước đã áp dụng xong chuẩn mực Basel 2 và ngân hàng chưa thể áp dụng đều mong muốn đươc tăng vốn...

Vấn đề thiếu vốn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước không chỉ bây giờ mới được nhắc tới mà đã được phản ánh ở mức độ bức thiết tại các hội nghị toàn ngành và hội nghị từng ngân hàng.

Mới đây, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2020, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho rằng, tăng vốn là một trong những điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn cũng như gia tăng nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển kinh tế.

"Ngoài việc sớm xem xét cấp vốn thông qua trực tiếp hay thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, các cấp có thẩm quyền cần giảm thiểu thủ tục hành chính trong xét duyệt phương án bán chiến lược của các tổ chức tín dụng, phát hành cổ phiếu riêng lẻ, cổ phiếu ESOP…", ông Tú kiến nghị.

Về phía Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng tiếp tục đề nghị được chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

"Trong nghị quyết 01 ban hành đầu năm 2020 của Chính phủ, một nội dung được nhắc tới là đảm bảo đủ vốn điều lệ, đáp ứng nhu cầu an toàn vốn tối thiểu cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, Vietcombank xin đề xuất được giữ lại lợi nhuận và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu là 70% trong giai đoạn 3 năm 2018-2020", ông Thành ý kiến.

Sau hội nghị toàn ngành nêu trên, VietinBank là ngân hàng thương mại Nhà nước đầu tiên tổ chức tổng kết năm 2019. Tại đây, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank cho biết, mặc dù vốn điều lệ chưa được tăng như kế hoạch nhưng ngân hàng vẫn có kết quả kinh doanh tốt nhờ tập trung vào cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động, so với năm 2018, tốc độ tăng về hiệu quả tăng cao gấp 5 lần tốc độ tăng về quy mô kinh doanh.

Trong đó, tăng trưởng tín dụng 7,2%; thu nhập thuần từ dịch vụ tăng 43% so với năm 2018, tỷ lệ thu ngoài lãi chiếm 22% tổng doanh thu hoạt động, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1,2%, giảm đáng kể so với cuối năm 2018 (1,59%), tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt trên 120%, tăng mạnh so với 93% của năm 2018.

Tuy nhiên, ông Thọ cho biết thêm, hiện hệ số an toàn vốn (CAR) của VietinBank nếu tính theo Thông tư 36 và các Thông tư sửa đổi bổ sung đang là 9,25%.

Do đó, ngân hàng đang đứng trước thách thức phải nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng các chuẩn mực Basel 2 tại Thông tư 41, song các biện pháp được thực hiện đã tới giới hạn. Điều này không chỉ tác động tiêu cực tới việc mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đáp ứng các chuẩn mực an toàn vốn tối thiểu mà còn dẫn đến khả năng khó ứng phó với các rủi ro tài chính bất khả kháng.

"VietinBank đã đáp ứng toàn diện các yêu cầu theo tiêu chuẩn Basel 2 về cơ cấu quản trị, quy trình, quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin. Ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt tăng vốn và thực hiện tăng vốn điều lệ, VietinBank sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực Basel 2", ông Thọ khẳng định.

Tại Agribank, ngân hàng thương mại Nhà nước còn lại, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc cũng có chung mong muốn tăng vốn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng vẫn chưa được đáp ứng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong 5 năm qua, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã đóng góp cho ngân sách khoảng trên 92.000 tỷ đồng, trong đó 60.000 tỷ đồng từ thuế và 32.000 tỷ đồng từ cổ tức. Vì vậy, Chính phủ, các Bộ, ngành cũng rất ủng hộ việc tăng vốn cho nhóm ngân hàng này.

"Chính phủ đã có chủ trương, như VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017 và 2018. Sắp tới, VietinBank cũng cần báo cáo Bộ Tài chính để có kế hoạch tăng vốn 2019 và 2020, dựa trên đánh giá tăng trưởng và kết quả kinh doanh", ông Hưng yêu cầu.

Ngoài ra, Thống đốc gợi ý thêm, theo quy định mới của Thông tư 33 về phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2, các ngân hàng trên 50% vốn nhà nước được chủ động phát hành trái phiếu riêng lẻ mà không cần xin phép Ngân hàng Nhà nước. Điều này nhằm giảm thiểu thủ tục tài chính giúp các ngân hàng thương mại Nhà nước hoàn toàn chủ động trong việc phát hành tăng vốn.

Bên cạnh các cơ chế mở hơn về tăng vốn, ông Lê Minh Hưng yêu cầu ngân hàng đồng thời phải kiểm soát tốc độ tăng trưởng tài sản có rủi ro, củng cố tình hình tài chính. Đồng thời, ngân hàng cũng cần thoái khoản đầu tư ngoài ngành chưa thực hiện trong thời gian qua.

Nguồn: