Doanh nghiệp được tiếp tục 'đòi nợ thuê' đến hết năm 2020

15/12/2024
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, loại hình dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê sẽ được thực hiện đến hết năm 2020, khi Luật Đầu tư có hiệu lực từ 1/1/2021 sẽ phải chấm dứt hoạt động này.

Sáng 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9, khóa 14.

Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi xoay quanh việc “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” liên quan đến Luật Đầu tư sửa đổi vừa được thông qua. Cụ thể, luật lần này đã bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Vậy số phận của những doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ này sẽ ra sao?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định, đối với các doanh nghiệp đang được cấp phép dịch vụ kinh doanh đòi nợ sẽ được tiếp tục hoạt động từ nay tới ngày 1/1/2021. Từ 1/1/2021, khi Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.

“Đối với các doanh nghiệp có nhiều ngành nghề, dịch vụ kinh doanh thì chấm dứt hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê, còn các lĩnh vực khác vẫn hoạt động theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp đang thực hiện dịch vụ kinh doanh đòi nợ từ nay tới 1/1/2021 có trách nhiệm thanh, quyết toán liên quan tới dịch vụ này”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Nội dung liên quan đến dịch vụ đòi nợ thuê đã từng gây nhiều tranh cãi tại diễn đàn Quốc hội và đa số ý kiến đại biểu đều ủng hộ cấm loại hình dịch vụ này.

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), dịch vụ đòi nợ thuê vừa qua đã biến tướng bất chấp pháp luật, trong khi đóng góp của ngành nghề này không lớn so với tác hại nó gây ra với xã hội.

Trong khi đó, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) thì cho rằng, quan hệ pháp luật được xác lập trong giao dịch đòi nợ thuê như đang diễn ra trên thực tế hiện nay thực chất là quan hệ sai trái, không đúng với bản chất của việc đòi nợ hợp pháp mà pháp luật đã quy đinh.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), phần lớn công ty đòi nợ thuê đều câu kết với băng nhóm xã hội đen để đi đòi nợ. Trong khi đó, loại hình này cũng không góp bao nhiêu vào ngân sách.

Đặc biệt, lý do để ông Nguyễn Mai Bộ (An Giang) khẳng định "không thể không cấm đòi nợ thuê", vì doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ có lao động chủ yếu là người “xăm trổ”. Công cụ lao động để đạt mục đích là dao kiếm, phương thức hoạt động là dùng vũ lực, đe doạ.

"Nếu tiếp tục để dịch vụ này thì gây hoang mang xã hội, dẫn tới mất niềm tin của nhân dân với lực lượng quản lý xã hội", ông Bộ cho hay.

Doanh nghiệp được tiếp tục đòi nợ thuê đến hết năm 2020 - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ

Vì sao phải dừng BT?

Trả lời câu hỏi xoay quanh việc dừng triển khai dự án theo hình thức BT, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trước đây chúng ta đưa ra hình thức BT để nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền ra xây dựng các công trình hạ tầng, sau đó nhà nước sẽ trả quỹ đất để họ phát triển nhằm cân bằng hai chi phí.

Trong quá trình thảo luận Luật PPP, có nhiều ý kiến cho rằng hình thức này không có việc hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong đầu tư nên không thể coi đó là hình thức đầu tư PPP. Về nguyên tắc, theo Luật PPP là có hợp đồng giữa nhà nước và tư nhân. Còn việc xây dựng công trình xong đổi lấy đất thì hoàn toàn không phải PPP, do đó không nằm trong nội dung của Luật PPP.

Về băn khoăn nguồn lực đầu tư các dự án, ông Vũ Đại Thắng cho rằng, đất đai chúng ta đã có và pháp luật cho phép đấu thầu, đấu giá. Do vậy chúng ta có thể đấu giá mặt bằng để lấy kinh phí thực hiện dự án đầu tư theo nhu cầu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

“Tạm dừng thực hiện hợp đồng theo hình thức BT cũng là một trong những điểm để quản lý hiệu quả hơn nữa quỹ đất trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.


Nguồn: