Bước sang tháng 5, các ngân hàng vẫn tiếp tục theo xu hướng giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kích cầu sản xuất.
4 ngân hàng có vốn nhà nước là Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV giảm từ 1,5 - 2%/năm với hàng chục ngàn tỷ đồng tín dụng ưu đãi.
Cùng với đó, ngân hàng HDBank cũng tung thêm gói 10.000 tỷ đồng, lãi vay giảm 2 - 4%/năm cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ; Ngân hàng Nam A Bank giảm thêm 2 - 2,5%/năm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Doanh nghiệp kỳ vọng tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất. (Ảnh minh họa: KT)
Giảm lãi suất cho vay là động thái tích cực của các ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, sau khi trải qua thời kỳ khủng hoảng vì Covid-19, do không có nguồn thu cho nên sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp rơi vào tình cảnh lao đao, cạn kiệt nguồn vốn.
Nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai thủ tục để được hưởng các chính sách hỗ trợ, chủ động làm việc với ngân hàng, đề xuất giãn trả nợ gốc và giảm lãi suất vốn vay từ nay đến hết năm. Các chính sách này đã phần nào giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn về tài chính, dòng tiền nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng lại có chính sách khác nhau, không có sự thống nhất để áp dụng chung cho tất cả các đối tượng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, gói tín dụng 285.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ công bố sớm nhất, hàng loạt ngân hàng đồng loạt đăng ký tham gia với lãi suất cho vay cam kết thấp hơn 0,5 - 1% mức thông thường. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cho biết, vẫn khó tiếp cận dòng vốn hỗ trợ này do ngân hàng đánh giá mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp vay theo đúng tiêu chuẩn thông thường thay vì tình huống dịch bệnh và vẫn đòi tài sản thế chấp. Nếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm hay không chứng minh được thiệt hại và dòng tiền trả nợ, khó có thể tiếp cận gói tín dụng này để duy trì hoạt động.
Anh Hoàng Tấn Minh, chủ một xưởng sản xuất đồ nội thất ở Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, xưởng phải ngừng hoạt động một thời gian dài do dịch bệnh nên hiện thiếu vốn nghiêm trọng. Do là doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ nên rất khó có thể tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước, sự kỳ vọng vào dòng vốn này là rất mong manh. Vậy nên, anh mong muốn các ngân hàng tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hết sức khó khăn như hiện nay.
Đồng quan điểm, chị Lê Thu Trang, chủ một công ty may tư nhân ở Đông Anh cho hay, vài tháng nay, do phải “án binh bất động”, công ty ngừng sản xuất hoàn toàn nên không có thu nhập, trong khi vẫn phải thanh toán tiền thuê mặt bằng với số tiền là 18 triệu đồng/tháng. Hết thời điểm giãn cách, công ty bắt đầu hoạt động trở lại nhưng sản phẩm làm ra tiêu thụ rất chậm. Một loạt các khoản chi phí như: tiền thuê xưởng, tiền điện nước, tiền lương nhân công… đã “đè nặng” lên “đôi vai” vốn đang rất yếu ớt của doanh nghiệp. Không còn cách nào khác, doanh nghiệp vẫn phải vay vốn ngân hàng để duy trì hoạt động.
Chị Trang cho biết thêm, mặc dù các ngân hàng đã có chính sách giãn, giảm lãi suất cho doanh nghiệp, nhưng trong tình cảnh như hiện nay, việc giảm lãi suất vẫn “như muối bỏ bể”. Chị Trang mong rằng, các ngân hàng sẽ có chính sách giảm mạnh lãi suất cho vay để giúp doanh nghiệp qua cơn “bĩ cực” này…
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay, NHNN đã có phương án điều hành lãi suất phù hợp, thời gian tới sẽ xem xét để giảm tiếp các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu... Đồng thời, sẽ điều hành chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục kinh tế sau dịch, sẵn sàng can thiệp, đảm bảo ngoại tệ và cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Quyết định về lãi suất điều hành, trong đó giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5% xuống 4,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 3,5% xuống 3%/năm, lãi suất OMO giảm từ 3,5% xuống 3%/năm, trần lãi suất tiền gửi 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75% xuống 4,25%/năm,...
Việc hạ lãi suất này sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng huy động được nguồn vốn với chi phí thấp hơn, từ đó có thể hỗ trợ giảm lãi suất cho vay các doanh nghiệp. Với việc giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, NHNN cho biết, đã cân nhắc mức giảm để vẫn đảm bảo huy động được tiền trong dân, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng./.
Nguồn: