Dự kiến quý I/2021 sẽ ra quy định về chuyển đổi số của ngân hàng

12/01/2025
Cơ quan quản lý sẽ ban hành quy định về chuyển đổi số của ngân hàng trong quý I/2021...

Toạ đàm về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao CNTT Việt Nam 2020, ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020 (DXDay 2020) ngày 15/12.

Ông Lê Anh Dũng, Vụ phó Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong quý I/2021, cơ quan quản lý sẽ ban hành quy định về chuyển đổi số của ngân hàng, sau khi chiến lược chuyển đổi số quốc gia được ban hành. Về khung pháp lý cho chuyển đổi số trong thời gian qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã có quy định về eKYC trong Thông tư 16 cho các ngân hàng triển khai. Mặt khác, các nghị định như đại lý cho phép thanh toán mở rộng kênh tiếp cận, mobile money… cũng được ban hành, quy định rõ ràng hơn.

Theo đại diện Vụ Thanh toán, thời gian qua, các ngân hàng đang đi đúng hướng chuyển đổi số. Trước đây, ngân hàng khá chần chừ với việc chuyển đổi số thì gần đây đã có sự thay đổi đáng kể. “Tất nhiên, chuyển đổi số là câu chuyện 50:50, đầu tư cũng có tính rủi ro”, ông Dũng chia sẻ. Chuyển đổi số diễn ra nhanh đặt ra những thách thức cho cơ quan quản lý. Do đó, ông Dũng cho biết Ngân hàng Nhà nước mong muốn chạy song song với sự thay đổi của ngành, buộc phải ra khỏi vùng an toàn, tiếp cận các ngân hàng và công ty fintech để cập nhật hành lang pháp lý: “Xu hướng chung là đặt ra cơ chế sandbox thử nghiệm, hy vọng xong trong giữa năm sau. Cơ chế sandbox được ban hành sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường”.

Dự kiến quý I/2021 sẽ ra quy định về chuyển đổi số của ngân hàng - Ảnh 1.

Trong năm qua, các ngân hàng bắt đầu quan tâm đến huyển đổi số. Ảnh minh hoạ: VnEconomy.

 

Đồng tình với đại diện Vụ Thanh toán, ông Nguyễn Đình Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cho rằng chuyển đổi số là đầu tư mạo hiểm và các đơn vị chuyển đổi số cũng có thể thất bại. Theo ông, có 7 rủi ro trong chuyển đổi số phải kể đến: chiến lược, công nghệ, pháp lý, năng lực, quy trình vận hành, thị trường và rủi ro về con người. Theo ông Thắng, sai về chiến lược, công nghệ không ổn tý nào. Pháp lý chưa có mà làm thì dễ bị vi phạm hoặc hồi tố. Vẽ bánh quá to mà giữa chừng hết tiền cũng không ổn. Do đó, muốn chuyển đổi số có cơ hội thành công cao thì cần có kịch bản, kế hoạch và làm từng bước.

“Chuyển đổi số là cuộc chạy đua tốc độ nên đừng chần chừ nữa. Muốn chuyển đổi số thành công cần có 3 chữ M: muốn làm không, mần (làm) đi, và có money (tiền), không có tiền thì khỏi làm”, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, bày tỏ. Theo ông, chuyển đổi số dù là hiện tại hay tương lai, suy cho cùng, cũng để hướng đến 6 chữ: kết nối, chia sẻ, trải nghiệm. Với các ngân hàng, chuyển đổi số sẽ bắt đầu tư việc số hoá mọi dữ liệu, quy trình đang có. Quyết tâm thay đổi văn hoá, thói quen cũ, vượt qua sức ỳ…  là các yếu tố tối quan trọng để có cơ hội chuyển đổi số thành công.

Đem đến toạ đàm ứng dụng Cyber-Callbot là tổng đài tự động với các trải nghiệm áp dụng vào nhắc nợ cước viễn thông, kỳ hạn tín dụng, khảo sát sự hài lòng của khách hàng, ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc sản phẩm Trung tâm không gian mạng Viettel, cho biết các ứng dụng trên phù hợp với chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Theo ông Vinh, năm 2020 có khoảng 1,7 tỷ người sử dụng digital banking do đó chuyển đổi số là cơ hội rất lớn nhưng cũng có những nguy cơ tiềm ẩn, gây cho doanh nghiệp tiếp cận không đúng cách hoặc không đúng điểm tiếp xúc sẽ có thiệt hại đáng kể. Điển hình như theo só liệu của McKindsey, tiếp xúc không đúng cách sẽ gây nguy hại từ 30-50% lợi nhuận.

Đại diện Viettel cho rằng quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp cần được quyết định bằng chính khách hàng của doanh nghiệp đó. Điều quan trọng là nắm bắt kịp thời cảm xúc của khách hàng. Tổng đài tự động giám sát theo dõi cảm xúc của khách hàng trên môi trường đa kênh, nhằm giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng trong chuyển đổi số là sản phẩm như vậy.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ, CTCP MISA - cũng nhấn mạnh việc mang yếu tố con người vào chuyển đổi số với chatbox được điều chỉnh theo trải nghiệm thực tế của khách hàng, dùng công nghệ AI dần hoàn thiện để hiểu được cảm xúc của người dùng.

2020 được xem là năm tích cực với các ngân hàng trong chuyển đổi số. Ngoài eKYC, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh đầu tư các ứng dụng công nghệ mới như công nghệ contactless, ứng dụng sinh trắc học trong xác thực khách hàng, giao dịch từ xa, trợ lý ảo…

Nguồn: