"Cuộc chiến" quyền lực tại Eximbank bắt đầu là tâm điểm chú ý của dư luận kể từ ngày 22/3 khi ngân hàng bất ngờ công bố bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên HĐQT được bầu giữ chức vụ chủ tịch HĐQT của ngân hàng nhiệm kỳ VI (2015-2020) thay cho ông Lê Minh Quốc – người giữ vị trí chủ tịch HĐQT trước đó.
Ông Lê Minh Quốc vẫn chưa hết nhiệm kỳ và không đồng ý với quyết định của HĐQT để bà Tú làm chủ tịch. Ông Quốc cũng đã gửi đơn kiện lên tòa án và đến ngày 27/3, TAND TP.HCM đã ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc HĐQT Eximbank phải dừng thực hiện Nghị quyết số 112 về việc thay đổi chủ tịch HĐQT cho đến khi giải quyết xong vụ án.
Đến ngày 14/5, ông Lê Minh Quốc có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí chủ tịch HĐQT. Tòa án sau đó tuyên hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với việc thay đổi chủ tịch HĐQT của Eximbank. Một ngày sau, ngày 15/5, Eximbank ra quyết định với chữ ký của ông Lê Minh Quốc hủy quyết định 112 về việc bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm chủ tịch. Theo đó, ở thời điểm 15/5 ông Lê Minh Quốc lại trở lại làm chủ tịch ngân hàng.
Một tuần sau, ngày 22/5, HĐQT Eximbank chính thức có quyết định chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Quốc. Đồng thời, ngân hàng thông báo ông Cao Xuân Ninh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020.
Những tưởng "cuộc chiến" ghế nóng tại Eximbank đã có phần dịu lại. Tuy nhiên, tranh cãi lại nổ ra vào cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 tổ chức lần 3 vào ngày 21/6, sau một lần tổ chức thất bại hồi tháng 4.
Tại cuộc họp, cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corp (SMBC) đã phát biểu đề nghị xem lại tư cách của ông Cao Xuân Ninh với tư cách chủ tọa. Ông Đặng Anh Mai – Phó Chủ tịch HĐQT cho rằng việc ông Lê Minh Quốc ký Nghị quyết 231 hủy bỏ Nghị quyết 112 bầu bà Lương Thị Cảm Tú là trái quy định pháp luật và của Eximbank. Ông Mai cũng không chấp nhận Nghị quyết thông qua bổ nhiệm ông Cao Xuân Ninh vào chức danh Chủ tịch HĐQT thay cho ông Lê Minh Quốc. Nhiều cổ đông khác cũng đề nghị trước khi đi vào Đại hội phải thống nhất và biểu quyết về tư cách chủ tọa cuộc họp.
Trước nhiều tranh cãi từ cổ đông, tại cuộc họp, ông Ninh vẫn khẳng định việc được bầu làm Chủ tịch là hoàn toàn hợp lệ. Dù vậy, cuộc họp vẫn không thể tiếp tục khi số cổ đông bỏ phiếu tán thành thông qua Quy chế tiến hành họp đại hội chỉ đạt tỷ lệ 39,8%, không đủ tỷ lệ 51% theo Điều lệ của Eximbank.
Biến động nhân sự Eximbank lại tiếp tục nổi sóng khi mới đây, ông Nguyễn Ngọc Hà – Kế toán trưởng của Eximbank đã được HĐQT ngân hàng miễn nhiệm theo nguyện vọng của ông Hà. Được biết, TGĐ Eximbank đã có tờ trình về việc giải quyết đơn xin nghỉ việc của ông Hà từ ngày 20/6 nhưng phải đến 8/7, HĐQT Eximbank mới có quyết định thông qua.
Chưa dừng lại, ngày 10/7, theo nguồn tin của Báo Thanh niên, ông Cao Xuân Ninh vừa có đơn xin từ chức gửi HĐQT, chỉ sau chưa đầy 1 tháng tại vị. Theo nguồn tin này, ông Cao Xuân Ninh từ chức vì nhận thấy các mâu thuẫn, bất đồng giữa các cổ đông, nhóm cổ đông, trong nội bộ còn tiếp diễn chưa thể dung hòa.
Như vậy nếu đúng theo nguồn tin và được thông qua thì Eximbank sẽ ghi nhận kỷ lục trong ngành khi mới hơn 3 tháng phải 4 lần thay đổi chủ tịch.
Điều kỳ lạ là bất chấp những lùm xùm đến từ nội tại nhà băng, cổ phiếu EIB của Eximbank vẫn liên tục tăng, thậm chí mức giá hiện tại của EIB (18.500 đồng/cp) đang nằm ở vùng đỉnh lịch sử của cổ phiếu này. Không những thế, trong những phiên giao dịch quý 2 xuất hiện nhiều phiên giao dịch thỏa thuận khối lượng "khủng", điển hình nhất là gần 60 triệu cổ phiếu được sang tay trong phiên ngày 3/4 với giá trị thỏa thuận lên tới 1.071 tỷ đồng.
Nguồn: