Làm giả thẻ nhân viên ngân hàng để tạo lòng tin
Theo thống kê sơ bộ, trong vài năm trở lại đây, số lượng các vụ lừa đảo giao dịch điện tử của các đối tượng tội phạm giả danh nhân viên ngân hàng có chiều hướng tăng mạnh.
Tình trạng này "bùng phát" trong thời gian qua khi nhiều người dân gặp khó khăn về mặt tài chính do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19.
Lợi dụng tâm lý cả tin, nhu cầu vay vốn "nóng" của người dân cho việc tiêu dùng và phục hồi kinh doanh, một số kẻ gian đã thực hiện thủ đoạn lừa đảo mới hòng chiếm đoạt tài sản thông qua việc mời chào, cung cấp các khoản vay từ ngân hàng.
Điều đáng nói, các đối tượng này tạo dựng lòng tin nơi khách hàng bằng cách cung cấp hình ảnh thẻ nhân viên ngân hàng giả mạo, sử dụng chứng minh nhân dân của người khác, đi kèm với đó việc mời chào các khoản vay giá trị nhỏ nhằm dễ dàng chiếm đoạt khoản tiền đặt cọc.
Cụ thể, vào đầu tháng 7/2020, chị N.T.H (SN 1970, TP. HCM) tình cờ kết bạn với một tài khoản Zalo có tên Đặng Minh Hoàng Anh. Người này tự xưng là cán bộ thẩm định khoản vay và chăm sóc khách hàng của một ngân hàng, mời chào chị H. làm hồ sơ vay vốn với thủ tục đơn giản, dễ dàng, thời gian xét duyệt nhanh chóng.
"Ban đầu, trong tin nhắn quảng cáo mà người này gửi cho tôi, có thông tin nói rằng ngân hàng đang cần thanh lý gấp 20 bộ hồ sơ vay vốn đã được duyệt sẵn nhưng khách hàng không nhận vì một số lý do cá nhân. Tôi thấy trong đó ghi có 3 bộ hồ sơ cho vay 30 triệu, trả góp trong vòng 24 tháng, mỗi tháng chỉ đóng 1 triệu 652 nghìn đồng, đúng với nhu cầu của mình nên mới trao đổi các thông tin liên quan đến thủ tục vay vốn", chị H cho biết.
Chỉ vài ngày sau đó, chị H. nhận được thông báo cho biết hồ sơ vay vốn của mình đã được xét duyệt. Tuy nhiên, chủ tài khoản Zalo yêu cầu chị chuyển tiền đặt cọc làm hồ sơ trước với mức phí là 1 triệu đồng. Khi thấy chị H. tỏ ý nghi ngờ, người này cung cấp cả chứng minh nhân dân và thẻ nhân viên ngân hàng để thuyết phục nạn nhân đồng ý chuyển tiền.
May mắn là chị H. đã không chuyển tiền đặt cọc và ngay lập tức liên hệ với phía ngân hàng để xác minh thông tin nên kẻ lừa đảo không thể chiếm đoạt được tài sản. Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ lừa đảo giao dịch điện tử diễn ra gần đây. Dù vậy, không nhiều người dân đủ tỉnh táo như chị H. để nhận ra hình thức lừa đảo tinh vi này, chịu "tiền mất tật mang" khi vừa mất tiền, vừa để lộ thông tin cá nhân cho kẻ gian lấy cắp.
Ngân hàng khẳng định "không có dịch vụ thanh lý hồ sơ cho vay"
Gần đây nhất, một tài khoản mang tên Nguyễn Văn Hậu đã sử dụng Mạng xã hội Facebook và các ứng dụng chat như Zalo qua số máy 0366.863.582 để mời chào các khách hàng cả tin thực hiện các khoản vay giá trị nhỏ từ "các hồ sơ thanh lý từ Techcombank".
Đối tượng tạo lòng tin bằng cách cung cấp hình ảnh thẻ giả mạo nhân viên thẩm định, chăm sóc khách hàng và "hướng dẫn" khách hàng chỉ cần chuyển thông tin CMND, Hộ khẩu qua Zalo để được phê duyệt khoản vay tùy theo các hạn mức. Nếu khách hàng tỏ ý tin tưởng, tài khoản này sẽ yêu cầu khách hàng nộp tiền phí phê duyệt giải ngân vào tài khoản của đối tượng, và sau đó sẽ chặn tài khoản Zalo để chiếm đoạt tiền.
Ngân hàng Techcombank khẳng định: "Ngân hàng không có dịch vụ thanh lý hồ sơ cho vay , đây là quảng cáo giả mạo. Quy trình vay vốn luôn được Ngân hàng thực hiện minh bạch, khách hàng cần gặp gỡ trực tiếp với Ngân hàng để ký nộp hồ sơ vay vốn và trực tiếp ký hợp đồng vay vốn với Ngân hàng để được giải ngân theo quy định".
Techcombank khuyến nghị trên các cổng thông tin chính thức về các hình thức lừa đảo thanh lý hồ sơ cho vay phổ biến như sau: Bước 1 : Lấy lòng tin Các đối tượng quảng cáo trên mạng xã hội hoặc Zalo các loại hình cho vay từ Ngân hàng với thủ tục dễ dàng, giải ngân nhanh chóng. Khi người dân có nhu cầu và liên lạc, các đối tượng này mạo danh nhân viên ngân hàng để hỗ trợ và tạo lòng tin bằng cách gửi thẻ nhân viên thẩm định hoặc chăm sóc khách hàng của Ngân hàng. Đây là những loại thẻ hoàn toàn giả mạo do đối tượng tự sản xuất. Bước 2 – Lừa đảo bằng hồ sơ ảo Đối tượng hướng dẫn người dân chỉ cần chuyển thông tin CMND hoặc căn cước công dân và thông tin hộ khẩu qua Zalo để được phê duyệt khoản vay tùy theo các hạn mức, chủ yếu là các hạn mức nhỏ. Đối tượng sử dụng hình ảnh giả mạo gửi cho khách hàng để chứng minh khách hàng đã được giải ngân khoản vay. Bước 3 - Chiếm đoạt tiền Để có thể nhận được khoản vay, đối tượng yêu cầu người dân nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên vào một số tài khoản mà kẻ gian cung cấp. Sau khi nhận được tiền, đối tượng chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân. |
Đặc biệt cần lưu ý : KHÔNG ĐẶT LÒNG TIN với các loại hình quảng cáo cho vay nóng, bán hồ sơ vay vốn, thanh lý hồ sơ vay vốn, được quảng bá là nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, các ứng dụng chat Zalo hoặc qua bất cứ trung gian nào. KHÔNG LIÊN LẠC với những lời mời chào khoản vay vốn từ các quảng cáo qua mạng. Đây hoàn toàn có thể là đối tượng lừa đảo. KHÔNG LIÊN LẠC, cung cấp thông tin của cá nhân, số CMND, CCCD, Hộ khẩu, cho người lạ, hoặc bên thứ ba qua mạng, qua điện thoại kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng,... để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép. KHÔNG CUNG CẤP thông tin hay đưa thông tin giao dịch lên mạng xã hội, đặc biệt là những giao dịch bán hàng online, số điện thoại vì sẽ tạo điều kiện cho lừa đảo. KHÔNG GIAO DỊCH chuyển bất cứ khoản tiền nào cho người lạ qua mạng khi được yêu cầu kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng,.. Cần thực hiện: LIÊN LẠC TRỰC TIẾP với Techcombank qua các kênh thông tin chính thức như Website www.techcombank.com.vn, Hotline 1800 588 822 hoặc tại Chi nhánh/ PGD khi có nhu cầu vay vốn. Quy trình vay vốn tại ngân hàng là công khai và minh bạch, tất cả các bước về thẩm định, ký hồ sơ giấy tờ, ký giải ngân đều được thực hiện trực tiếp với chuyên viên tại chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng. BẢO MẬT TUYỆT ĐỐI THÔNG TIN CÁ NHÂN, nâng cao ý thức bảo vệ thông tin giao dịch ngân hàng trên mạng xã hội và Zalo. LUÔN XÁC THỰC người đề nghị thực hiện giao dịch khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, nạp tiền. Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch, cần cần LIÊN HỆ NGAY với cơ quan chức năng để được phối hợp điều tra làm rõ vụ việc và truy tìm đối tượng lừa đảo và báo cho Ngân hàng để phối hợp xử lý kịp thời. |
Nguồn: