Lúc 9h00, (28/4 giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên thế giới đứng ở mức 1.700,5 USD/ounce, giảm khoảng 20 USD/ounce so với 24h trước. Giá vàng giao tháng 6 cũng rớt xuống còn 1.711 USD/ounce.
Giá vàng SJC trong nước cũng quay đầu giảm mạnh ngay khi mở cửa sáng nay (28/4). Chẳng hạn, Vàng bạc đá quý Sài Gòn giảm 150 nghìn đồng/lượng xuống mức 47,75-48,40 triệu đồng/lượng. Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) giảm 150 nghìn đồng/lượng xuống 47,6-48,35 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, tập đoàn Phú Quý giảm mạnh 350 nghìn đồng/lượng so với sáng hôm qua, xuống còn 47,85-48,30 triệu đồng/lượng. DOJI cũng giảm 350 nghìn đồng/lượng xuống còn 47,8-48,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giảm trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng và nhiều quốc gia đã lên kế hoạch dỡ bỏ lệnh phong tỏa, thúc đẩy tâm lí đầu tư rủi ro. Tuy nhiên, vàng vẫn nhận được hỗ trợ từ các biện pháp kích thích mạnh mẽ chưa từng có của chính phủ các nước.
Chuyên gia phân tích Suki Cooper của Standard Chartered Bank cho biết mặc dù bối cảnh vĩ mô vẫn hỗ trợ cho giá vàng trong thời gian tới, nhưng thị trường đang quan tâm trở lại đối với lợi suất trái phiếu. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp và nhà máy được mở cửa trở lại sau khoảng thời gian bị hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 cũng sẽ khiến nhu cầu mua tài sản an toàn đi xuống.
Để chống lại triển vọng suy thoái toàn cầu, các chính phủ trên thế giới có thể sẽ tiếp tục chi những khoản tiền khổng lồ, phần lớn trong số đó sẽ được phát hành bởi các ngân hàng trung ương. Do đó, vàng vẫn có vai trò quan trọng như một loại tài sản an toàn trong môi trường khủng hoảng hiện nay. Vàng có xu hướng được hưởng lợi từ các biện pháp kích thích kinh tế vì thường được coi là một hàng rào chống lạm phát và tranh chấp tiền tệ.
Nguồn: