Theo dữ liệu cập nhật lúc 21h25 hôm nay 26/3 (tức hơn 10h sáng tại Mỹ), vàng giao ngay được giao dịch ở mức 1.635,60 USD/ounce, tăng 22,7 USD/ounce so với giá đóng cửa hôm 25/3. Giá vàng kỳ hạn tháng 4/2020 ở mức 1.661,80 USD/ounce, tăng 1,74%.
Chính phủ Mỹ lần đầu tiên tuyên bố số lượng lao động thất nghiệp theo tuần đạt mức kỷ lục - được báo cáo là hơn 3,28 triệu người (3.283.000 người). Sự gia tăng được tính toán sau khi nước này đưa ra các lệnh đóng cửa hoạt động tại nhiều nơi do dịch Covid-19.
Báo cáo thất nghiệp này là một trong những báo cáo lớn đầu tiên cung cấp cái nhìn tổng quan về tác động kinh tế của việc đóng cửa một phần nền kinh tế Mỹ và các nỗ lực tự kiểm dịch để chống lại sự lây lan của virus. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Mỹ, số lượng lao động thất nghiệp đã phá vỡ mức cao nhất mọi thời đại kể từ khi cơ quan này bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 1967. Mức cao trước đó là 695.000 đơn được nộp trong tuần kết thúc vào ngày 2/10/1982 khi nền kinh tế Mỹ rơi vào thời kỳ suy thoái.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 21/3 vừa qua đã tăng vọt lên gần 3,3 triệu đơn từ mức 282.000 một tuần trước đó. Bộ Lao động Mỹ giải thích rằng sự gia tăng lượng người thất nghiệp là kết quả của việc kinh doanh bị gián đoạn khi nước này cố gắng làm chậm sự bùng phát Covid-19.
Trước đại dịch, những tuyên bố ban đầu ở mức thấp khoảng 200.000 đơn mỗi tuần, phản ánh một thị trường việc làm mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong vài tuần qua, dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ đột ngột phải đóng cửa trong khi người dân đang hạn chế di chuyển bằng máy bay cũng như các phương tiện khác nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đó là sự khác biệt chính giữa cú sốc Covid-19 gây ra so với thời kỳ kinh tế khó khăn trước đây: nó đột ngột và tác động hầu như mọi lĩnh vực kinh doanh và công nghiệp trong nền kinh tế.
Dữ liệu thất nghiệp của Mỹ đạt mức cao kỷ lục đã ngay lập tức làm sụt giảm giá trị của đồng đô la, củng cố sức hấp dẫn của vàng và đẩy cổ phiếu thế giới xuống thấp hơn. Đồng đô la đã giảm 0,8% giá trị so với đồng euro và mất 1,4% giá trị so với đồng yên Nhật. Các chỉ số chứng khoán tương lai của Mỹ cũng ghi nhận mức giảm mạnh.
"Trong ngắn hạn, vàng có thể tăng khi chứng khoán sụt giảm vì đây là tài sản trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, nếu việc bán tháo cổ phiếu vẫn tiếp diễn, các cuộc gọi ký quỹ tăng lên và lúc này nhà đầu tư lại cần bán vàng để lấy tiền mặt", Samson Li, nhà phân tích kim loại quý tại Refinitiv GFMS nhận định. "Về lâu dài, khi tất cả các ngân hàng trung ương bơm thanh khoản vào hệ thống, sẽ gây ra sức hủy diệt lớn trong tương lai, điều này sẽ tốt cho vàng."
Soni Kumari, chiến lược gia hàng hóa tại ANZ Bank cho biết, "Chúng tôi nhận thấy lãi suất thực vẫn sẽ còn âm trong một thời gian dài, khiến cho các khoản đầu tư vàng dù không có lợi tức cũng sẽ trở nên hấp dẫn. Bất kỳ sự thụt lùi giá nào cũng sẽ là cơ hội để mua vàng".
Trước đó, những người tham gia thị trường vàng vẫn lo ngại về việc siết chặt nguồn cung trên thị trường, sau sự phân kỳ mạnh về giá ở London và New York trước các lệnh đóng cửa các nhà máy chế tác kim loại quý. Sàn giao dịch phái sinh tài chính lớn nhất thế giới CME Group của Mỹ hôm 24/3 đã công bố một hợp đồng tương lai vàng mới để chống biến động giá gây ra bởi việc đóng cửa các tuyến đường vận chuyển vàng, nhưng vẫn không thể làm dịu thị trường ngay lập tức.
Tham khảo: Kitco
Nguồn: