Giá vàng thế giới quay đầu đi xuống khi giới đầu tư bớt lo về căng thẳng Mỹ-Iran, khiến giá vàng miếng trong nước sáng 7/1 tuột khỏi mốc 44 triệu đồng/lượng. Giá USD tự do tăng khá mạnh, trong khi giá USD ngân hàng vẫn giữ ổn định.
Lúc hơn 10h ngày 7/1, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 43,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,85 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 43,5 triệu đồng/lượng và 43,95 triệu đồng/lượng, giảm gần 1 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh 44,7 triệu đồng/lượng thiết lập vào trưa 6/1.
Chị Thu Cúc (Ba Đình, Hà Nội) từng là một nhà đầu tư vàng ở thời điểm những năm 2011-2013 cho rằng, giá vàng mới chỉ có sự tăng đột biến mà chưa thực sự đi theo xu hướng, phản ánh đúng cung cầu của thị trường, rất dễ dẫn đến tình trạng vàng giảm giá đột ngột. Vì thế, nếu không tỉnh táo xem xét và chỉ chạy theo tâm lý đám đông sẽ có nguy cơ bị thua lỗ trong ngắn hạn.
Một doanh nghiệp kinh doanh vàng có tiếng ở miền Bắc cho biết: “Giá vàng tăng nhưng không xuất hiện tình trạng đầu cơ vàng. Giao dịch trong ngày tại các công ty và cửa hàng vàng có thương hiệu tăng nhưng chủ yếu là bán ra”.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam phân tích, trong phiên đêm 6/1 tại Mỹ, giá vàng chốt với mức tăng 12,9 USD/oz, tăng hơn 0,8%, đạt 1.566,2 USD/oz. Trong phiên, có lúc giá vàng đạt 1.577,3 USD/oz, cao nhất 7 năm qua. Giá vàng thế giới trượt khỏi đỉnh khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran tạm thời chưa có bước leo thang mới.
“Thị trường vàng mấy năm gần đây không sôi động một phần do chính sách của nhà nước. Trước xu hướng tăng của giá vàng hiện nay, nhiều người bắt đầu chú ý và quay lại với vàng. Tuy nhiên, cơ hội có lợi nhuận cao sẽ chỉ đến với những nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp, còn đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thời điểm giá vàng biến động bất thường như hiện nay không thích hợp để “lướt sóng” vì rủi ro đi kèm là lớn”, ông Trúc nói.
Nguồn: