Giá vàng thế giới đã tăng 5 phiên liên tiếp lên mức cao nhất trong vòng 1 tuần do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm và lo ngại sự gia tăng đột biến số ca nhiễm virus Delta có thể cản trở sự hồi phục kinh tế toàn cầu.
Tối 17/8 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.793,85 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2021 cũng tăng 0,2% lên 1.796 USD/ounce.
Trong nước, giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội chiều nay mua vào tại 56,65 triệu đồng/lượng và bán ra 57,37 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán); giá vàng SJC ở hệ thống của Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,15 triệu đồng/lượng và bán ra 57,70 triệu đồng/lượng (không đổi cả 2 chiều mua bán so với phiên trước); Tập đoàn PNJ niêm yết giá vàng SJC mua vào 56,65 triệu đồng/lượng - bán ra 57,35 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán); giá vàng của công ty VBĐQ Phú Quý mua vào 56,60 triệu đồng/lượng, bán ra 57,60 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Michael Hewson, trưởng nhóm phân tích thị trường của CMC Markets UK, cho biết: "Lợi suất trái phiếu Mỹ giảm và thị trường chứng khoán Mỹ giảm nhẹ do chứng khoán Châu Á suy yếu đang hỗ trợ tích cực cho giá vàng".
Theo ông Hewson nói: "Một số Chính phủ đang phản ứng hơi quá mức đối với tình trạng số ca nhiễm Covid-19 tăng, làm dấy lên lo ngại rằng có thể có một đợt suy giảm kinh tế khác sau đợt giảm năm ngoái", và thêm rằng điều đó có nghĩa là việc thắt chặt chính sách của ngân hàng trung ương có thể chưa xảy ra.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần, đồng nghĩa với việc sức hấp dẫn của vàng so với trái phiếu đã tăng lên. Lợi suất trái phiếu thực âm, phản ánh kỳ vọng về chính sách tiền tệ tiếp tục ở trạng thái siêu nới lỏng, đang hỗ trợ cho giá vàng. Bởi vì, lãi suất thực âm giúp loại bỏ chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, đồng thời lại tăng cường vai trò kênh đầu tư an toàn của vàng.
Sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm Covid-19 mới ở Châu Á và các nơi khác đã làm giảm ham muốn đối với các tài sản rủi ro trên hầu như tất cả các thị trường tài chính.
Bên cạnh đó, những lo ngại về các quy định của Trung Quốc đối với lĩnh vực internet đang phát triển như vũ bão của nước này và tình hình hỗn loạn ở Afghanistan cũng khiến các nhà đầu tư trở nên lo lắng. Vàng được coi là một tài sản an toàn mỗi khi xảy ra bất ổn về chính trị và tài chính.
Gần đây, Trung Quốc đã siết chặt quản lý các nền tảng Internet. Tổng cục Quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) ngày 17/8 công bố dự thảo quy định ngăn chặn cạnh tranh không công bằng trong lĩnh vực Internet nhằm duy trì cạnh tranh lành mạnh trong trật tự thị trường, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của nhà mạng cũng như người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển bền vững, lành mạnh và tiêu chuẩn của nền kinh tế kỹ thuật số. Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba đã bị SAMR phạt tới 2,5 tỷ USD (mức cao kỷ lục) hồi tháng Tư vừa qua vì cạnh tranh không công bằng. Tháng 7/2021, tập đoàn Tencent bị buộc chấm dứt các giấy phép cho một số bài hát đăng trên nền tảng dịch vụ âm nhạc của tập đoàn này. SAMR cũng đã chặn một vụ sáp nhập hai công ty trò chơi trên mạng mà Tencent dẫn đầu.
Về tình hình địa chính trị, ngân hàng HSBC cho biết: "Các sự kiện ở Afghanistan thường không ảnh hưởng nhiều đến vàng, nhưng chiến thắng nhanh chóng và rõ ràng là hoàn toàn của Taliban có thể gián tiếp hỗ trợ các tài sản 'trú ẩn an toàn' như vàng thỏi, dù chỉ ở mức khiêm tốn", và "Tác động (của vấn đề Afghanistan) lên vàng có thể lớn hơn tưởng tượng lúc đầu."
Dữ liệu sơ bộ cho thấy hoạt động mua vàng vào khá sôi động. Chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali của TD Securities cho biết, trong khi hoạt động mua vàng như một tài sản trú ẩn an toàn liên quan đến COVID-19 đã xảy ra ở thị trường châu Âu thì mức độ quan tâm tới vàng của nhà đầu tư ở Mỹ ở mức thấp hơn. Tuy nhiên, có xu hướng các ngân hàng trung ương gia tăng mua vàng vào. Theo ông Ghali: "Chúng ta đang chứng kiến hậu quả của một đợt bán tháo mạnh mặt hàng vàng" trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về việc Fed tích cực hơn nữa trong việc đàm phán về việc sớm thắt chặt tiền tệ.
Ông Brien Lundin - biên tập viên trang tin vàng Gold Newsletter - cũng cho rằng vàng đã bị bán quá mức (oversold) trong thời gian vừa qua, và nay "nhiều nhà đầu tư nhận thấy rằng đợt giá giảm đó chẳng qua là kết quả của sự thao túng thị trường trong ngắn hạn và không phản ánh tình trạng cung-cầu thực tế của vàng".
Và yếu tố quan trọng nhất chi phối thị trường vàng hiện nay là các số liệu kinh tế Mỹ. Việc giá vàng tăng trong suốt 5 ngày qua chủ yếu bởi một số dữ liệu kinh tế Mỹ không đạt dự báo khiến giới đầu tư tin rằng Fed sẽ không sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đầu tháng 8 giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ, khi số ca nhiễm virus biến thể Delta tăng nhanh đe dọa làm giảm tốc độ hồi phục kinh tế.
Margaret Yang, chiến lược gia thuộc DailyFX cho biết: "Dữ liệu tâm lý người tiêu dùng đáng thất vọng cho thấy Fed có thể có thêm lý do để chưa thể giảm bớt việc mua tài sản và đây chắc chắn là một tin tốt đối với vàng".
Chuyên gia kim loại quý Everett Millman của Gainesville Coins cũng cho rằng dữ liệu lạm phát cho thấy áp lực giá cả ở Mỹ có thể đã đạt đỉnh. Điều đó có nghĩa là Fed không còn phải vội cắt giảm chương trình mua tài sản để ứng phó với lạm phát.
Hiện tại, các nhà đầu tư vàng đang chờ đợi dữ liệu về doanh số bán lẻ của Mỹ và biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed, dự kiến công bố vào ngày thứ Tư (18/8) để biết thêm manh mối về chính sách lãi suất sắp tới của nước này.
Lukman Otunuga, nhà phân tích cấp cao thuộc FXTM, cho biết giá vàng tăng liên tiếp gần đây có thể mở đường hướng tới mốc 1.800 - 1.830 USD trong thời gian tới.
Tham khảo: Reuters
Nguồn: