Ngày 15/4, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trình Chính phủ dự thảo quyết định về hướng dẫn thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, chính sách đang được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm hiện nay là đề xuất cho DN vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động (NLĐ).
DN nào được vay ưu đãi?
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong gói 62 nghìn tỷ đồng, sẽ dành khoảng 18 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các DN. Các DN được vay sẽ phải đáp ứng các tiêu chí: có từ 20% số lao động hoặc từ 30 lao động làm việc theo hợp đồng lao động phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên (từ ngày 1/4 đến 30/6); DN gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương cho NLĐ và đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương cho NLĐ trong khoảng thời gian trên; Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm 31/12/ 2019.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ cho DN vay theo số lao động ngừng việc thực tế hằng tháng, nhưng không quá 50% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng, tối đa trong 3 tháng (từ tháng 4 - tháng 6/2020).Thời hạn cho vay không quá 12 tháng với lãi suất 0%/năm.
Với mức vay trên, DN không cần tài sản đảm bảo, nhưng có kế hoạch trả nợ và cam kết dùng các nguồn vốn, tài sản thuộc sở hữu hợp pháp để trả nợ khi đến hạn.Nếu quá hạn, tiền vay sẽ tính lãi suất 12%/năm.
Về thủ tục, DN có nhu cầu vay vốn sẽ gửi hồ sơ gồm đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy phép đầu tư… Quan trọng nhất là danh sách NLĐ ngừng việc có xác nhận của tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có) và xác nhận của cơ quan BHXH, bản sao ngừng việc, bản sao báo cáo tài chính năm 2019 và quý I năm 2020…
Lo khó tiếp cận gói vay
Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều DN cho biết, các đơn vị đã nắm được thông tin từ phía Bộ LĐ-TB&XH đưa ra. Tuy nhiên, với hàng loạt điều kiện nêu trên, nhiều DN cho rằng khó có thể tiếp cận.
Bà Đặng Thị Mùi, Trưởng phòng nhân sự Cty TNHH Vina Korea (KCN Khai Quang, Vĩnh Phúc) cho biết, công ty có hơn 3.300 công nhân. Từ tháng 2/2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty phải cắt giảm sản xuất. Tuy nhiên, để giữ chân người lao động và duy trì một phần thu nhập cho họ, công ty bố trí công nhân luân phiên sản xuất, bằng cách giãn ca, ghép ca.
“Công nhân vẫn có việc làm nhưng so với trước, thời gian làm việc giảm hơn một nửa. Nếu yêu cầu DN có từ 20% số công nhân hoặc từ 30 lao động phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên, công ty bị loại đầu tiên”, bà Mùi nói.
Bà Mùi cho rằng, với những DN cho lao động nghỉ luân phiên để cầm chừng như vậy, cần có thêm quy định tạo điều kiện tiếp cận vốn vay. Bởi số DN này không ít.
Ngoài ra, bà Mùi cho rằng điều kiện phải trả trước 50% lương tối thiểu cho NLĐ sẽ ngáng chân nhiều DN. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều DN không có nguồn thu, phải vay ngân hàng trả lương nên sẽ trả chậm hơn bình thường.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cho biết, với hơn 60 nghìn công nhân, mỗi tháng riêng tiền lương, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam chi ra gần 500 tỷ đồng. Do đó, điều mà DN này băn khoăn nhất là hồ sơ, thủ tục cho vay phải đơn giản, giải quyết nhanh.Với yêu cầu DN trả 50% lương tối thiểu trước cho NLĐ, sau đó ngân hàng sẽ chi trả trực tiếp 50% còn lại, thực hiện sẽ phức tạp.
Ông Hồ Sỹ Lĩnh, Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH Foster Electric Bắc Ninh cho rằng, việc cho DN vay vốn lãi suất 0% mà không phải đảm bảo tài sản là một chính sách nhân văn. Tuy nhiên, trong bối cảnh này yêu cầu DN chứng minh khó khăn về tài chính sẽ mất nhiều thời gian. Để làm được điều này, các cơ quan thuế, hoặc thanh tra phải vào kiểm tra mới xác minh được. Do đó, theo ông Lĩnh, các cơ quan chỉ cần căn cứ vào số lượng lao động bị ngừng việc và tình hình doanh thu của công ty trong mấy tháng dịch bệnh là đủ.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau 5 ngày tiếp nhận hồ sơ, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ quyết định DN có được vay hay không. Trường hợp được vay, sau 3 ngày làm việc, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ giải ngân. Phần lương này không trả qua DN, mà trả thẳng hằng tháng đến NLĐ.
Nguồn: