Mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo hạ một loạt suất điều hành, áp dụng từ ngày 17/3. Đánh giá về quyết định này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, đây là một quyết định rất đúng đắn của NHNN trong lúc này. Loại lãi suất điều hành mà NHNN đã hạ là loại lãi suất trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) và một số lãi suất cho thị trường 1 như huy động vốn.
Theo ông Hiếu, việc hạ lãi suất của NHNN chắc chắn có tác động tích cực trên thị trường tài chính, nó làm cho chi phí vốn rẻ và từ đó các doanh nghiệp có thể vay từ vốn với lãi suất hạ hơn. Nói chung đây là những biện pháp thích hợp tại thời điểm này.
Tuy nhiên, việc hạ lãi suất thế này có thể tác động mạnh hơn ở thị trường 2 khi mà các ngân hàng (NH) vay nhau, cũng như vay NHNN. Và từ đó các NH sẽ có tính thanh khoản mạnh hơn và ngược lại họ có thể hỗ trợ khách hàng của họ trên thị trường 1.
Riêng về thị trường 1 cũng có tác động ví dụ như lãi suất cho vay huy động vốn giảm từ 5% xuống 4,75%. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, tại thời điểm này nếu NHNN không bắt buộc các NH phải hạ lãi suất thì các NH cũng vẫn sẽ hạ lãi suất huy động. Bởi lẽ, nhu cầu vay hiện tại rất thấp nên các NH đang rất dồi dào về thanh khoản. Hơn thế, nếu NHNN không hạ thì các NH khác cũng sẽ hạ lãi suất huy động để có thể duy trì biên độ lợi nhuận của họ.
Nói về tác động của việc hạ lãi suất, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc hạ lãi suất không thể giúp nền kinh tế vượt qua khỏi cơn khủng hoảng. Bởi việc giảm lãi suất điều hành chỉ tác động vào thị trường. Trong lúc này vấn đề của nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam không phải chỉ ở nền kinh tế tiền tệ mà còn nằm ở nền kinh tế hàng hóa, khi mà các chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn, nguồn cung giảm thì mức cầu cũng giảm theo, tạo một vòng xoáy đi xuống cả cung và cầu cho nên các biện pháp về chính sách tiền tệ chỉ là biện pháp hỗ trợ.
Ông Hiếu lấy ví dụ, chẳng hạn ở Mỹ, khi mà NH dự trữ liên bang Mỹ giảm lãi suất xuống gần nửa 0% thì thị trường chứng khoán rớt 12 điểm phần trăm, lần rớt điểm sâu nhất từ năm 1988 đến nay, điều này chứng tỏ rằng các chính sách về tiền tệ không giải quyết được nền kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế tiền tệ nói chung.
Còn ở Việt Nam hiện nay cũng vậy, biện pháp của NHNN Việt Nam hiện rất tốt, rất tích cực, tuy vậy không thể chỉ dựa vào mỗi chính sách tiền tệ mà cần có bàn tay của chính sách tài khóa như: giảm thuế, hoãn thuế, thậm chí là Chính phủ cần có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp bằng tiền cho vay hay cơ chế hỗ trợ tiền cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn như "quỹ bảo lãnh tín dụng", thông qua quỹ này Chính phủ bơm tiền vào đó, khi doanh nghiệp vay NH không được thì quỹ này bảo lãnh cho họ để doanh nghiệp được vay vốn. Thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh khoản có thể được hỗ trợ một cách trực tiếp. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có thể có những chính sách giảm thuế, miễn thuế,… thay vì chỉ hỗ trợ lãi suất trên thị trường tài chính. "Theo quan điểm của tôi đó là cách mình cần làm ngay được lúc này", ông Hiếu nói.
Mặt khác, chuyên gia này cũng cho rằng, mục đích của việc hạ lãi suất là hỗ trợ các doanh nghiệp thế nhưng lợi ích đầu tiên hay trước mắt vẫn là dành cho các NH thương mại. Bởi vì các NH có thể vay vốn rẻ từ tái cấp vốn, tái chiết khấu… thì họ có thể vay được trên thị trường ngân hàng giá rẻ. Còn đối với các doanh nghiệp thì cần cơ chế, thứ 2 là cần lãi suất trên thị trường 1 và thị trường 2 không có liên thông với nhau. Vì lãi suất trên thị trường 1 là lãi suất huy động vốn cho vay thì chỉ có một vài thời hạn được điều chỉnh, còn từ trên 6 tháng thì vẫn là lãi suất thỏa thuận và liệu rằng các NH có giảm lãi suất cho vay hay không thì còn tùy vào quyết định của mỗi NH.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Hiếu khẳng định, lãi suất cho vay sẽ giảm mà không phải do chính sách tiền tệ vì nhu cầu hiện tại về vay xuống rất thấp do đó các biện pháp hiện tại là nhắm vào nền kinh tế nói chung và tác động trực tiếp đến các NH thương mại nhiều hơn.
Phân tích thêm về tác động của việc hạ 7 loại lãi suất của NHNN, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, điều này sẽ tác động trên toàn mặt bằng lãi suất nói chung, nhưng phần lớn là tác động đến lãi suất trên thị trường 2 là thị trường liên ngân hàng, trừ các lãi suất huy động với người dân, còn đối với doanh nghiệp trong kỳ hạn 6 tháng thì có giảm nhưng ít.
Đồng thời, vị chuyên gia cũng cho rằng, tác động của quyết định hạ 7 lãi suất sẽ có độ trễ, tuy nhiên độ trễ không nhiều bởi vì hiện tại đang trong thời điểm dịch bệnh bùng nổ nên các khu vực kinh tế, phân khúc thị trường sẽ tác động một cách nhanh chóng hơn nhiều. Chính vì vậy sẽ không cần mất nhiều thời gian mà nó sẽ tác động rất nhanh và tác động luôn vào các thị trường.
Cuối cùng, ông Hiếu kết luận, các chính sách hạ một loạt lãi suất của NHNH như hiện nay là tốt, nhưng vấn đề của các doanh nghiệp bây giờ đang cần không phải chỉ là lãi suất, mà là vấn đề thanh khoản. Đồng thời, vấn đề của nền kinh tế đang gặp phải không chỉ là sử dụng "chính sách tiền tệ" mà là "chính sách tài khóa" giúp doanh nghiệp cầm cự qua giai đoạn này.
Nguồn: