Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị quyết về giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của COVID-19 đang khẩn trương được hoàn thiện để ký ban hành chậm nhất trước ngày 01/10/2021.
Như BizLIVE thông tin vừa qua , trong các nhóm giải pháp Chính phủ đề xuất không có gói hỗ trợ về lãi suất , một trong những lý do là " Ngân hàng Nhà nước đề nghị không triển khai".
CÁC NGÂN HÀNG ĐÃ HỖ TRỢ MỘT QUY MÔ LỚN
Nói thêm về đề nghị này tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tuần qua, đầu tiên Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng nền kinh tế lúc này, đặc biệt các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn.
"Báo cáo thật các đồng chí, ngày nào cũng nhận được rất nhiều văn bản của tất cả các ngành nghề và các hiệp hội về câu chuyện hỗ trợ và cần có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nền kinh tế cũng như là vượt qua khó khăn lúc này", ông Tú cho biết.
Riêng về gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, vấn đề được nhiều ý kiến đề cập tại phiên thảo luận, Phó thống đốc cho rằng "đây cũng là một giải pháp quan trọng bởi lẽ lúc này đối với doanh nghiệp thì giải pháp gì mà hỗ trợ được, dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, nhiều hay ít đều rất cần thiết".
Tuy nhiên tổng dư nợ nền kinh tế lúc này con số tròn là khoảng 10 triệu tỷ, số chính xác là 9. 870.000 tỷ, và có 5 lĩnh vực ưu tiên hiện nay đang có sự hỗ trợ lãi suất của Nhà nước, bình thường không phải là trong điều kiện có dịch thì cũng đã chiếm khoảng 3,3 triệu tỷ, tức là 1/3 tổng dư nợ nền kinh tế. Gồm những lĩnh vực rất quan trọng như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và một số lĩnh vực khác nữa đều là những lĩnh vực rất cần thiết được hỗ trợ.
Đối với ngành ngân hàng, Phó thống đốc thông tin, về hỗ trợ lãi suất thì từ khi có dịch đến nay, trước khi đến đợt bùng phát lần thứ tư thì hỗ trợ lãi suất của toàn bộ hệ thống các ngân hàng thương mại đối với nền kinh tế là 17.000 tỷ; bắt đầu từ đợt lần thứ tư này và gần đây nhất thì 16 ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất cũng đã cam kết gói hỗ trợ là 20.400 tỷ từ nay đến cuối năm.
Ngoài ra 4 ngân hàng thương mại nhà nước có vốn nhà nước lớn thì tổng số các ngân hàng thương mại cam kết hỗ trợ từ cách đây một tháng cho đến cuối năm là khoảng 24.500 tỷ, và số đã thực hiện cho đến ngày 16/9 là khoảng 8.821 tỷ.
Ông Tú cũng nói rõ, những con số trên không phải chỉ dựa trên số báo cáo của các ngân hàng thương mại, mà số được thiết lập trên hệ thống Báo cáo thống kê. Và có thể nói là một con số rất lớn đối với nền kinh tế trong suốt thời gian từ khi có dịch đến nay.
Còn số còn phải thực hiện cho đến cuối năm, như các ngân hàng thương mại đã và đang cam kết thực hiện cũng còn khoảng 13.000-14.000 tỷ nữa, đạt được con số 24.500 tỷ, là con số tối thiểu.Phó thống đốc Đào Minh Tú - Ảnh: Quochoi.vn
"CẦN SUY NGHĨ NHẤT LÀ NGUỒN LỰC"
Về câu hỏi có nên tiếp tục thực hiện những chương trình hỗ trợ bằng gói hỗ trợ lãi suất hay không, ông Tú đưa ra một số vấn đề mà theo ông cần phải cân nhắc.
Trước hết, đó là quy mô tín dụng hiện nay rất lớn. Song, đáng chú ý hơn là một điểm bất cập trong quá khứ ám ảnh đến tận nay.
"Năm 2009 chúng ta cũng có một gói quy mô với tổng số tiền bỏ ra lúc đó là 1 tỷ USD, tương đương lúc đó khoảng hơn 16 nghìn tỷ và thực hiện được khoảng 14.000 tỷ. Tuy nhiên, đến nay 11, 12 năm thì chưa quyết toán được con số này, bởi vì cũng có rất nhiều vấn đề", Phó thống đốc cho biết.
Lý do được ông Tú giải thích là khi triển khai gói này cũng có những đối tượng ưu tiên, khi thực hiện có những khó khăn phức tạp và phát sinh.
"Tất nhiên chủ trương tôi cho rằng là đúng và cần thiết. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện cũng có những khó khăn, phức tạp, cho nên đến nay thì chưa quyết toán được số này.
Nhìn chung quy mô từ nền kinh tế lúc đó nhỏ, tổng dư nợ lúc đó cũng chỉ khoảng hơn 2 triệu tỷ, gần 3 triệu tỷ, nhưng bây giờ khoảng 10 triệu tỷ. Nếu như hỗ trợ toàn bộ dư nợ nền kinh tế thì chắc là không có điều kiện, nhưng nếu chỉ hỗ trợ những số bị ảnh hưởng bởi dịch thì chúng tôi ước tính khoảng 4 triệu tỷ, số khó khăn thì khoảng hơn 3 triệu tỷ.
Nếu như chỉ cần hỗ trợ 1% cho số dư nợ hiện hữu và đang bị khó khăn bởi dịch, 1% của 3 triệu tỷ thì cũng phải là 30.000 tỷ. Ngược lại, nếu như chỉ hỗ trợ cho 5 đối tượng ưu tiên mà hiện nay đang dư nợ khoảng 3,3 triệu tỷ thì cũng khoảng 30 nghìn tỷ. Đây là một con số có thể nói rất lớn, nếu như chúng ta muốn hỗ trợ mức cao hơn 2-3%, thậm chí 4% như năm 2009 thì vấn đề cần suy nghĩ nhất là nguồn lực", Phó thống đốc tính toán.
Ông Tú cũng thừa nhận về gợi ý của một số chuyên gia là nếu ngân sách bỏ ra 2.000 tỷ để hỗ trợ về mặt lãi suất thì đúng là có dư nợ là 65.000 tỷ hỗ trợ vốn, nhưng so với nhu cầu hiện nay của nền kinh tế thì có thể nói nó rất nhỏ so với nhu cầu.
Trong điều kiện nguồn lực có hạn, nên chăng chỉ chọn những đối tượng đặc biệt cần hỗ trợ, Phó thống đốc nêu quan điểm.
Dù vậy, ông Tú vẫn cho rằng ở góc độ ngân hàng thì đây là một vấn đề rất lớn, rất cần cân nhắc, nhưng "khó thì các bộ, ngành sẽ phối hợp để triển khai, rút kinh nghiệm những gói trước để chúng ta triển khai".
Ghi nhận thời gian vừa qua ngành ngân hàng đã có chia sẻ và hỗ trợ cho nền kinh tế rất đắc lực, song tại cuộc họp cuối tuần qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ "đính chính" thông tin về gói hỗ trợ năm 2009 không hoàn toàn như Phó thống đốc đã nói, mà "có một số khó khăn, một số vướng mắc nhưng sau chúng ta đều giải quyết được".
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần tiếp tục rà soát để xem chính sách tín dụng, lãi suất có thể tiếp tục hỗ trợ cho một số ngành, một số lĩnh vực bị tác động rất lớn mà hiện nay chưa nằm trong danh sách ưu tiên.
"Nên có tổng kết sâu sắc về gói vừa rồi, hỗ trợ lãi suất thông qua công cụ tài khóa là chúng ta vẫn đang làm thường xuyên", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nguồn: