Ngày 03/4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu lượng lớn nguồn vốn hỗ trợ trên thị trường mở (OMO). Khối lượng tiếp cận của các tổ chức tín dụng ghi nhận phiên thứ ba liên tiếp có quy mô lớn.
Cụ thể, có 7 thành viên tham gia đấu thấu, với khối lượng trúng lên tới 8.531 tỷ đồng. Lãi suất nguồn vốn này vẫn giữ nguyên ở mức 3,5%/năm, kỳ hạn vẫn 14 ngày như hai phiên trước đó.
Tính chung, sau ba phiên liên tiếp kể từ ngày 31/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng và nâng số dư nguồn “tiếp sức” cho hệ thống lên 20.838 tỷ đồng.
Như vậy, kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất trên OMO từ ngày 17/3 vừa qua, nguồn vốn từ kênh này đã định hình dòng chảy mới bơm ra hệ thống với lãi suất thấp hơn trước; chi phí của một bộ phần nguồn vốn đã được giảm thiểu.
Dù hoạt động bơm ròng hỗ trợ thể hiện với khối lượng khá lớn, nhưng cân đối nguồn của hệ thống nói chung hiện vẫn đang dồi dào bởi số dư ở kênh khác đang ở mức lớn.
Cụ thể, như BizLIVE cập nhật thời gian qua, ngày 20/01/2020 đánh dấu phiên đầu tiên Ngân hàng Nhà nước hút bớt tiền về qua kênh tín phiếu. Số dư, hay nguồn vốn “nhàn rỗi” mà các tổ chức tín dụng đang để ở đây, hiện lên tới gần 147.000 tỷ đồng. Với kỳ hạn 91 ngày của tín phiếu phát hành trước đó, nguồn ở đây sẽ lần lượt trở lại thị trường từ sau 20/4 tới.
Ở một kênh khác, với biến động mạnh của tỷ giá USD/VND diễn ra vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố bán ra can thiệp với mức giá USD thấp hơn nhiều so với mức trần biên độ. Thực tế nhà điều hành đã cụ thể hóa bằng việc hạ hẳn giá bán ra vừa qua và áp cho đến nay. Theo đó, hoạt động bán ra ngoại tệ cũng là một tình huống đi cùng với hút một phần vốn VND về, bên cạnh các dòng chảy trên.
Nguồn: