Ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhỏ giọt, doanh nghiệp từ chối nhận
Trao đổi với Dân Việt, Tổng giám đốc của doanh nghiệp thuỷ sản này cho hay, do doanh nghiệp chủ yếu là hoạt động xuất khẩu, vậy nên vay bằng đồng USD. "Hiện lãi vay USD đã rất thấp rồi, ngân hàng cũng giảm ít, số lãi vay doanh nghiệp được giảm không đáng bao nhiêu nên tôi từ chối".
Theo vị này, doanh nghiệp của ông là một trong những doanh nghiệp lớn nhất cả nước về nuôi trồng chế biến thủy hải sản, doanh thu hàng năm lên tới 3.000 tỷ đồng. 7 tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ, với doanh thu ước khoảng 750 triệu USD.
"Theo kế hoạch, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tăng rất mạnh trong quý III này, bởi đây là thời điểm cao điểm của thu hoạch và cung cấp hàng hóa xuất khẩu cho mùa tiêu thụ Noel vào cuối năm của các nước phát triển", vị này cho hay.
Doanh nghiệp thủy sản "vỡ" kế hoạch vì Covid-19. (Ảnh: CleanFood)
Tuy nhiên, chia sẻ với Dân Việt, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này cho hay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần thứ 4, hàng loạt tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 và thực hiện "3 tại chỗ" đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài giảm mạnh lãi suất cho vay, thiết thực với doanh nghiệp đó là được giảm chi phí tiền điện. Chi phí tiền điện của doanh nghiệp dao động từ 4 – 6 tỷ đồng/tháng. Hiện nay, chưa có cơ chế giảm tiền điện cho doanh nghiệp vừa nuôi trồng, vừa thu mua và chế biến xuất khẩu thủy hải sản - theo Tổng Giám đốc doanh nghiệp này.
"Doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất. Với tác động này, ước tính doanh thu của doanh nghiệp sẽ sụt giảm tới 50% theo kế hoạch trong tháng 8 và vỡ kế hoạch sản xuất kinh doanh trong nửa cuối năm nay.
Trong khi đó, chi phí tăng vọt do thực hiện "3 tại chỗ", từ chi phí ăn ở, sinh hoạt, hỗ trợ thêm người lao động, phí xét nghiệm,..."
"Trong lúc khó khăn, thấy chủ trương của ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp ảnh hưởng của Covid-19, chúng tôi cũng đề nghị ngân hàng hạ lãi vay. Ngân hàng có thiện chí nhưng mức giảm lãi vay rất ít, không có nghĩa lý gì so với quy mô hoạt động của doanh nghiệp nên chúng tôi không nhận. Chúng tôi cũng không khó khăn đến nỗi đó, giảm tí xíu mất công lắm", Vị này cho hay.
Trên thực tế, kể từ đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp ngành vận tải, du lịch… đề nghị được vay vốn với lãi suất 0-2%/năm.
Thống kê cũng cho thấy, đã có trên 10 ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, với mức giảm từ 0,5%-2% kể từ giữa tháng 7 đến nay. Cá biệt, có ngân hàng đã giảm tới 3% so với lãi suất cho vay hiện hữu.
Ghi nhận thiện chí của các ngân hàng thương mại, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, lãi suất cho vay chưa bao giờ thấp như hiện nay, song mức giảm 1 - 2% không đáng kể đối với các doanh nghiệp bị mất dòng tiền trả nợ và vẫn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp trong bối cảnh thanh khoản đứt đoạn, không có nguồn thu.
Vì vậy, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, với vai trò là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp giảm từ 3 - 5% lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời, mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp (theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020), cho vay gián tiếp không chỉ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mà thêm doanh nghiệp trong các ngành bị tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải…
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, các ngân hàng quá chậm trễ trong việc hạ lãi suất.
Đặc biệt, trong 4 đợt dịch bùng phát, việc giảm lãi suất của các ngân hàng chỉ mang tính chất tình thế và mức giảm còn "nhỏ giọt".
"Theo công bố, mức giảm trung bình các ngân hàng công bố chỉ khoảng 1%, trong khi lãi suất huy động vẫn tiếp tục giảm sâu từ tháng 3 năm ngoái tới nay.
Các ngân hàng đáng lý phải giảm lãi suất sâu và sớm hơn. Ngân hàng hưởng lợi từ xã hội thì phải có trách nhiệm với xã hội. Tôi vẫn muốn ngân hàng giảm chi phí qua việc tìm vốn rẻ, tăng thêm dịch vụ, giảm thiểu chi phí hoạt động, chi phí marketing để có thể hạ lãi suất dù không nhiều", ông Hiếu nói.
Giảm lãi suất cho vay : Không "cào bằng" với tất cả các doanh nghiệp
Về phía ngân hàng, lãnh đạo của một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cho biết, chính sách giảm lãi vay tùy thuộc vào từng ngân hàng và mức hỗ trợ phụ thuộc vào tình hình, "sức khỏe" thực tế của mỗi doanh nghiệp.
"Thực tế sẽ có doanh nghiệp chỉ được giảm 0,5% nhưng có doanh nghiệp được hạ tới 2,5 - 3%/năm.
Những doanh nghiệp sức khỏe tài chính tốt, thông thường lãi suất cho vay cũng đã được các ngân hàng ưu ái, vì vậy mức giảm lần này sẽ không nhiều. Thay vào đó, chúng tôi sẽ xem xét giảm mạnh hơn đối với những doanh nghiệp có tình hình tài chính khó khăn hơn, nguồn thu giảm mạnh hoặc không có nguồn thu để doanh nghiệp cầm cự và phục hồi sản xuất sau dịch.
Hoặc đối với lĩnh vực vận tải mức giảm lãi suất khác với lĩnh vực xuất khẩu hay nông nghiệp... chính sách như vậy sẽ thực chất hơn là giảm lãi suất cào bằng", vị này cho hay.
Mức giảm lãi vay tùy thuộc từng doanh nghiệp. (Ảnh: LT)
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá cao việc các tổ chức tín dụng giảm lãi suất để tiếp tục đồng hành, chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp.
TS Cấn Văn Lực: Hiện lãi suất không phải là điểm nghẽn" của doanh nghiệp. Bởi chưa bao giờ lãi suất lại hấp dẫn như ở thời điểm hiện tại. Nếu tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay dẫn tới hệ lụy đó là lạm phát và dòng tiền không đi vào sản xuất, kinh doanh.
"Doanh nghiệp sẽ cố đi vay, nhưng không đầu tư, vì không có đầu ra. Thực tế, một số doanh nghiệp đã đi vay chỗ này vì được hưởng chế độ khách hàng A - vay lãi suất 5%, để đi gửi chỗ khác 7%/năm, là ngồi mát ăn bát vàng. Thậm chí, doanh nghiệp vay tiền rót vào chứng khoán, bất động sản, và 5 năm nữa chúng ta sẽ chịu hệ lụy".
Tuy nhiên, việc hỗ trợ giảm lãi suất cần bảo đảm nguyên tắc không cào bằng, có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng thực sự khó khăn, đúng lĩnh vực và địa bàn.
Bởi vì mức độ tác động của dịch bệnh rất khác nhau và khả năng phục hồi của các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn cũng rất khác nhau...
Đồng thời, mức giảm bao nhiêu tùy thuộc vào năng lực tài chính của mỗi tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, phải bảo đảm vừa hỗ trợ khách hàng vừa giữ được an toàn năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, nhất là khi rủi ro tiềm ẩn nợ xấu còn lớn...
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học việc Tài chính đánh giá, lãi suất phải vận động theo quy luật thị trường, lãi suất cho vay phụ thuộc vào lãi suất huy động. Nếu lãi suất đầu vào giảm sâu khiến dòng tiền "chảy" ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Vì vậy, ngoài giảm lãi suất, cơ quan chức năng cần có giải pháp đồng bộ như miễn một số loại thuế, phí, tiền thuê đất.
"Giảm lãi suất chỉ giảm bớt phần nào gánh nặng cho doanh nghiệp. Cơ quan chức năng phải có giải pháp đồng bộ để doanh nghiệp tồn tại qua đại dịch như miễn tiền thuê đất, miễn một số loại phí, thuế, tiền điện. Chỉ khi nào, doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại, nền kinh tế mới thực sự phục hồi", ông Thịnh kiến nghị.
Nguồn: