Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư 23 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.
Theo thông tư mới, việc nạp tiền vào ví phải qua tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng hoặc nhận tiền từ ví khác do cùng tổ chức cung ứng. Trong đó, tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân, bao gồm cả thanh toán và chuyển cho ví khác, không quá 100 triệu đồng trong một tháng. So với dự thảo trước đây, quy định chính thức đã bỏ hạn mức 20 triệu đồng mỗi ngày.
Thông tư mới cũng bỏ hạn mức giao dịch với ví điện tử dành cho tổ chức, trước đó hạn mức trong dự thảo tối đa không quá 100 triệu mỗi ngày và 500 triệu đồng mỗi tháng.
Trong phần giải trình trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết việc quy định hạn mức giao dịch đối với ví điện tử nhằm giảm thiểu rủi ro về lợi dụng để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp. "Việc quy định hạn mức để phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ", cơ quan ban hành cho biết.
Tổ chức cung ứng dịch vụ ví phải yêu cầu khách hàng hoàn thành việc liên kết ví với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ trước khi sử dụng ví điện tử. Khách hàng được liên kết ví với một hoặc nhiều tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ tại các ngân hàng liên kết.
Thông tư mới nghiêm cấm dùng ví điện tử cho các giao dịch rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận; cấm việc thuê, mượn ví hoặc mua, bán thông tin ví. Tổ chức cung ứng dịch vụ được yêu cầu không cấp tín dụng cho khách hàng, trả lãi trên số dư ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên ví so với giá trị tiền khách hàng nạp.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị phải có công cụ cho phép nhà điều hành giám sát tổng số ví, số dư ví của tất cả khách hàng vào đầu ngày giao dịch và tại thời điểm truy cập. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng muốn giám sát thông tin tài khoản đảm bảo thanh toán mở tại các ngân hàng, bao gồm số hiệu tài khoản, số dư đầu ngày giao dịch và số dư vào cuối ngày giao dịch.
Minh Sơn