Số liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2021 là 1,9%. Con số nợ xấu nếu tính cả các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) nhưng chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn thì tỷ lệ lên tới 3,79%. Tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) là 7,31%, tăng mạnh so với mức 5,1% cuối năm 2020. Con số này đã tiệm cận với mức nợ xấu của năm 2017 (7,4%), là năm mà Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu bắt đầu có hiệu lực.
Làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 quay trở lại dẫn đến tình trạng giãn cách xã hội đã ảnh hưởng trầm trọng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Do vậy, theo các chuyên gia kinh tế, nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng nhanh chóng là điều đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, với số liệu công bố tỷ lệ nợ xấu tương đối cao, dù là lý do chủ quan hay khách quan thì vẫn phải cảnh giác để không xảy ra tình trạng lặp lại lịch sử của 10 năm trước.
Xét riêng các ngân hàng trong hệ thống, tổng dư nợ xấu của các nhà băng đã tăng 6% so với cuối năm trước với gần 94.779 tỷ đồng. Trong Top 10 ngân hàng có nợ xấu cao nhất, VPBank đã soán ngôi vị trí dẫn đầu của BIDV với con số nợ xấu nội bảng là 15.887 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021, tăng 60% so với cuối năm 2020. VietinBank cũng là ngân hàng có quy mô nợ xấu tăng 49%, đang ở mức 14.300 tỷ đồng. Tương tự ACB cũng có số dư nợ tăng 52% so với cùng kỳ.
Mặc dù vậy, không phải nợ chỗ nào cũng xấu. Trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% trong năm 2021 có ACB với 0,77%, dù tăng 18 điểm phần trăm; tỷ lệ nợ xấu tại Techcombank là 0,66%, dù tăng 19 điểm phần trăm so với năm 2020. BIDV có chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống mức 0,81%. Cụ thể, trong năm 2021, BIDV đã xóa nợ 19.300 tỷ đồng, tương ứng với 1,4% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm. Đối với TPBank, ngân hàng này có tỷ lệ nợ xấu giảm 36 điểm phần trăm, từ 1,18% năm 2020 xuống 0,82% năm 2021.
Nợ xấu liệu có quay trở lại?
Vấn đề nợ xấu có thể trở thành tâm điểm của thị trường tài chính trong năm nay, khi tỷ lệ nợ xấu gộp đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, phá vỡ thành quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 - 2020.
Dưới tác động của dịch Covid-19, nợ xấu sẽ còn tăng mạnh trong giai đoạn tới. Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng Covid-19 sẽ kéo dài đến ngày 30/6/2022. Nếu không được gia hạn thì nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu theo Thông tư này nhiều khả năng được thể hiện rõ ràng hơn trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, khiến rủi ro nợ xấu gia tăng.
Theo báo cáo chiến lược tháng 3/2022, Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng đối với các ngân hàng có tỷ trọng ngân hàng bán lẻ cao như VPBank, VIB, TPBank, tỷ lệ nợ xấu/trích lập dự phòng lớn dự kiến sẽ sớm được phản ánh trên báo cáo tài chính. Ngược lại, nợ xấu phát sinh từ cho vay doanh nghiệp và đầu tư trái phiếu sẽ mất nhiều thời gian hơn, phụ thuộc vào mức độ hồi phục của nền kinh tế và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong khi đó Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Công ty chứng khoán SSI mới đây, các chuyên gia cho rằng nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu được kiểm soát tốt. Do các ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu và củng cố bộ đệm dự phòng rủi ro tín dụng mạnh mẽ trong Q4/2021, nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu không có quá nhiều biến động trong Q1/2022. Các khoản cho vay tái cơ cấu bắt đầu có xu hướng giảm ở một số ngân hàng (Vietcombank, ACB), và tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức tương đối ổn định so với quý trước. Điều này có thể khiến áp lực trích lập dự phòng không quá nặng nề trong Q1/2022.
Tập trung vào vấn đề quản trị rủi ro
Chính phủ vừa đồng ý đề xuất kéo dài Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng kéo dài thêm 2 năm nữa. Việc kéo dài Nghị quyết này sẽ giảm bớt gánh nặng xử lý nợ xấu của các ngân hàng, đồng thời tránh tình trạng nợ xấu mới chồng lên nợ xấu cũ. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, các ngân hàng thương mại cổ phần kỳ vọng, Chính phủ và Quốc hội sẽ sớm xây dựng Luật Xử lý nợ xấu. Nguyên nhân vì bản thân Nghị quyết 42/2017/QH14 còn rất nhiều vướng mắc, nếu chỉ gia hạn thì vẫn chưa giải quyết triệt để khó khăn của các tổ chức tín dụng.
Trong cuộc họp ngày 31/3 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cũng kiến nghị, cần xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết số 42 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Còn về phía tổ chức tín dụng, vấn đề quan trọng nhất là quy trình cho vay phải kiểm soát được chất lượng tín dụng của khách hàng, không nên chỉ chú trọng vào tài sản đảm bảo. Các nhà băng cần đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp, thực hiện cơ cấu lại nợ đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời nhưng có khả năng phục hồi trong tương lại, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, sử dụng vốn vay của khách hàng để kịp thời thu hồi nợ...
Các ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung không thể chủ quan, bởi tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ được tính toán với các khoản nợ xấu nội bảng, mà chưa tính đến các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và các khoản nợ xấu tiềm ẩn từ nợ tái cơ cấu. Đặc biệt là nguy cơ chuyển các khoản nợ từ nhóm 1, nhóm 2 thành nợ xấu do điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp có thể không thuận lợi trong thời gian tới (cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu gộp gấp 3,8 lần tỷ lệ nợ xấu nội bảng).
https://cafef.vn/khong-the-chu-quan-voi-no-xau-20220401174330127.chnNguồn: