Ngày 27/8 vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức Tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 52/2018/TT-NHNN (Thông tư 52) quy định xếp hạng tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Một quy định hiện hành trong phân nhóm các ngân hàng thương mại Việt Nam được đề cập đến với hướng cần điều chỉnh, theo ý kiến tại tọa đàm trên.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, các ngân hàng thương mại (NHTM) được chia thành các nhóm đồng hạng, gồm: Nhóm 1 là các NHTM có quy mô lớn (tổng giá trị tài sản bình quân theo quý trong năm xếp hạng trên 100.000 tỷ đồng); Nhóm 2 gồm các NHTM có quy mô nhỏ (tổng giá trị tài sản bình quân theo quý trong năm xếp hạng bằng hoặc thấp hơn 100.000 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA cho rằng, trong hệ thống TCTD hiện nay, quy mô tổng tài sản của các NHTM không đồng đều và có sự chênh lệch rất lớn về cấp độ.
Những NHTM có quy mô tổng tài sản chênh lệch từ 200.000 - 300.000 tỷ đồng thì cách thức hoạt động, quản trị điều hành và hiệu quả kinh doanh là rất khác nhau, đặc biệt là đối với các NHTM có quy mô tổng tài sản từ 1 triệu tỷ đồng trở lên (là những NHTM có tầm quan trọng lớn, đóng vai trò trụ cột trong hệ thống ngân hàng và nền kinh tế).
Do đó, các quy định về tiêu chí, điểm số và trọng số tại Thông tư 52 được cho là chưa phù hợp để đánh giá, xếp hạng đối với các NHTM lớn.
Để tăng cường hiệu quả trong đánh giá, xếp hạng TCTD và làm cơ sở để xây dựng bộ tiêu chí/chỉ tiêu đánh giá tương ứng phù hợp, qua tọa đàm trên, ông Hùng đề nghị Ban soạn thảo xem xét phân nhóm các NHTM theo các cấp độ chi tiết hơn; trong đó các NHTM có quy mô tổng tài sản từ 1 triệu tỷ đồng trở lên cần có phương thức đánh giá phù hợp.
Theo báo cáo tài chính kỳ gần nhất, đến hết tháng 6/2021, hệ thống các NHTM Việt Nam đã có 4 thành viên có tổng tài sản vượt trên mốc 1 triệu tỷ đồng ( BIDV , Agribank , VietinBank và Vietcombank).
NHTM có tổng tài sản lớn thứ 5 liền kề là SCB, nhưng khoảng cách so với nhóm "Big 4" nói trên rất lớn, khi đạt 672 nghìn tỷ đồng. Các NHTMCP tư nhân lớn khác lần lượt có quy mô tổng tài sản từ 450 - 525 nghìn tỷ đồng. Còn lại phần lớn trong khoảng 100 - 300 nghìn tỷ đồng…
Như ý kiến đưa ra tại tọa đàm trên, quy mô tổng tài sản các NHTM hiện không đồng đều và chênh lệch rất lớn, nên việc phân chia thành một nhóm là chưa phù hợp để đánh giá, góp phần vào định hình các tiêu chí xếp hạng.
Trong thực tiễn hoạt động, việc phân nhóm ngân hàng lớn hoặc nhỏ có nhiều khía cạnh ảnh hưởng. Nhiều NHTM vẫn đặt chỉ tiêu vào top 10 quy mô của hệ thống để khẳng định vị thế. Việc xác định quy mô ở đây cũng đi cùng với sức ảnh hưởng của mỗi ngân hàng đối với thị trường.
Hoặc cụ thể hơn, quy mô của mỗi ngân hàng vẫn được xét đến ở các tiêu chí phân định một số hoạt động, nghiệp vụ hoặc dòng chảy nào đó trên thị trường.
Điển hình như BizLIVE từng có bài viết đề cập trước đây, có quy định cụ thể về "chấm điểm" các nhà băng theo quy mô tổng tài sản để Kho bạc Nhà nước chọn gửi tiền ngân sách nhàn rỗi. Như cuối năm 2019, Bộ Tài chính đã có thang điểm cụ thể để lựa chọn các thành viên tham gia đấu thầu nguồn tiền gửi này.
Trong thang điểm đó, các nhà băng có quy mô tổng tài sản từ 1 triệu tỷ đồng trở lên có ưu thế nhất về điểm số. Ngược lại, những thành viên từ 200 - 400 nghìn tỷ đồng tổng tài sản chỉ ở giữa thang điểm 100; những nhà băng có quy mô dưới 200 nghìn tỷ đồng gần như bị đặt ngoài cuộc.
Tất nhiên, trong thang điểm trên của Bộ Tài chính còn có tiêu chí về quy mô vốn chủ sở hữu, chất lượng tín dụng, kết quả hoạt động mà cụ thể là chỉ tiêu ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu).
Trong các tiêu chí xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước hiện nay, cũng như đang dự thảo điều chỉnh, bên cạnh nội dung trên thì còn có nhiều tiêu chí chi tiết hơn nữa về vốn chủ sở hữu, chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng, hiệu quả hoạt động…
Vậy nên, nếu như hầu hết các NHTMCP tư nhân hiện chưa "cùng mâm" về quy mô tổng tài sản với nhóm "Big 4", thì ở các tiêu chí khác như vốn chủ sở hữu, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động… sẽ có nhiều thành viên ở "mâm trên".
Đặc biệt, đầu tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Quân đội (MB) đã chính thức ghi nhận vốn điều lệ gần 38.000 tỷ đồng, đánh dấu lần đầu tiên một NHTMCP có quy mô này vượt trên một thành viên của "Big 4" là Agribank.
Chưa dừng lại đó, dự kiến chỉ một tháng nữa sẽ đến lượt VPBank triển khai bước tăng mạnh vốn điều lệ để lên "cùng mâm" với nhóm "Big 4"; và khi nguồn tiền bán cổ phần FE Credit dự kiến chuyển về trong tháng tới, quy mô vốn chủ sở hữu VPBank cũng sẽ lên và sau đó dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm vốn điều lệ.
Với một số NHTMCP tư nhân, mô hình linh hoạt hơn và có các bước tăng vốn điều lệ nhanh chóng hơn, trong khi hầu hết "Big 4" đều gặp khó khăn trong tăng vốn, khoảng cách khá lớn về quy mô tổng tài sản hiện nay dự báo sẽ sớm được thu hẹp.
Nguồn: