Lãi dự thu tăng mạnh ở nhiều ngân hàng

22/11/2024
Quan sát báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, nhiều nhà băng ghi nhận các khoản phải thu, lãi dự thu tăng khá mạnh trong nửa đầu năm 2021.

Tại Techcombank, trong khi nợ xấu tiếp tục giảm xuống thấp nhất hệ thống, chỉ ở mức 0,4% thì lãi dự thu tăng khá mạnh. Ở thời điểm 30/6/2021, các khoản phải thu của ngân hàng là 23.489 tỷ đồng, tăng 42% so với đầu năm, đồng thời các khoản lãi, phí phải thu khác tăng 11% lên 5.736 tỷ đồng. 

VietinBank cũng có xu hướng này khi các khoản phải thu tăng 35% lên 30.868 tỷ đồng; phí, lãi phải thu tăng 24% lên 9.694 tỷ đồng.

Tại VIB, các khoản phải thu của ngân hàng cuối tháng 6/2021 là 8.176 tỷ đồng, tăng gấp 4,5 lần so với hồi đầu năm. Các khoản lãi, phí phải thu khác ở mức 1.735 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 1.798 tỷ đồng cuối năm 2020.

Các khoản phải thu của VPBank cũng tăng khá mạnh trong nửa đầu năm, khi các khoản phải thu tăng từ 17.409 tỷ đồng lên 26.882 tỷ đồng, tương đương tăng 54%. Hay tại Vietcombank, các khoản phải thu 53% lên 10.176 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng khác như MB, TPBank, SeABank,…cũng có lãi dự thu, các khoản phải thu tăng 2 con số trong 6 tháng đầu năm. 

Ở chiều ngược lại, SCB và Sacombank - 2 ngân hàng có lãi dự thu, các khoản phải thu cao nhất những năm trước lại đi ngang, thậm chí giảm trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, lãi dự thu của SCB vẫn còn rất lớn lên tới hơn 85.000 tỷ đồng và cao hơn nhiều so với các nhà băng khác. 

Trong khi đó, các khoản phải thu của Sacombank hiện chỉ còn 19.901 tỷ đồng, giảm xuống dưới MB, Techcombank, VPBank, VietinBank. Lãi, phí phải thu của Sacombank giảm 20% xuống còn hơn 14.000 tỷ đồng. 

Bên cạnh SCB và Sacombank, BIDV cũng ghi nhận lãi dự thu đi ngang, các khoản phải thu của nhà băng này hiện là 9.897 tỷ đồng; các khoản lãi, phí phải thu khác là 12.883 tỷ đồng. 

Lãi dự thu là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm các sản phẩm cho vay. Dù ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này nhưng vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập và từ đó tính ra lợi nhuận. Đây là phương thức hạch toán bình thường trong kế toán ngân hàng và thực tế, lãi dự thu thường tăng theo tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. 

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tương lai mà chính là nợ xấu tiềm ẩn. 

Điều này khiến lãi dự thu được quan tâm như một yếu tố khác bên cạnh nợ xấu để đánh giá chất lượng tài sản, hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Lãi dự thu càng lớn có thể tác động tới lợi nhuận của ngân hàng trong tương lai, khi giả sử một phần lãi dự thu trở thành nợ xấu không thể thu hồi được. 

Mặc dù báo cáo tài chính cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa đầu rất cao, song ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng trong báo cáo tài chính của các nhà băng. Theo số liệu hiện có, số nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 là 347 nghìn tỷ đồng. Nhưng con số này khả năng sẽ còn lớn hơn. 

Nền kinh tế và doanh nghiệp bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến ngân hàng. Doanh nghiệp sẽ không có tiền để trả nợ vay ngân hàng, trong khi ngân hàng phải tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03/2021 trong giai đoạn 3 năm. Theo đó, chắc chắn nợ xấu của ngân hàng sẽ phát sinh và gia tăng trong thời gian tới.

Nguồn: