Ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn
Thời gian gần đây có một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Chẳng hạn, SHB áp dụng lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất lên mức 8,2%/năm; trong khi tại PVcomBank, lãi suất cao nhất là 8,5%/năm; còn ở TPBank lãi suất huy động cao nhất là 8,6%. Trước động thái này của các ngân hàng, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại sẽ có tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Tuy nhiên theo quan sát của phóng viên, động thái tăng lãi suất huy động chỉ là cục bộ, chủ yếu là các ngân hàng có quy mô nhỏ với mục đích để giữ thị phần, khách hàng. Hơn nữa, lãi suất tăng chủ yếu là ở các kỳ hạn dài; chưa kể các ngân hàng cũng đưa kèm thêm điều kiện về số tiền gửi mới được hưởng mức lãi suất này. Chẳng hạn, để được hưởng với mức lãi suất tương ứng 8,5%/năm và 8,6%/năm tại PVcomBank và TPBank thì khách hàng phải có số tiền gửi tối thiểu là 500 tỷ đồng. Với điều kiện trên rất ít người đáp ứng được.
Phân tích sâu hơn, một chuyên gia ngân hàng cho biết, việc một số ngân hàng nhỏ tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dài là để cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Quả vậy, theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN, bắt đầu từ ngày 1/1/2019, ngân hàng phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40%.
Thậm chí tỷ lệ này có thể giảm xuống thấp hơn trong thời gian tới khi mà NHNN đang xây dựng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống còn 30%. “Điều này buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn dài hạn nhằm đảm bảo quy định theo yêu cầu của NHNN”, vị chuyên gia trên cho biết.
Tuy nhiên, do lãi suất chỉ tăng ở các kỳ hạn dài và cũng chủ yếu được tăng bởi các ngân hàng nhỏ có thị phần không lớn. Trong khi các ngân hàng chiếm thị phần huy động vốn lớn trong nền kinh tế là các NHTM quốc doanh lại không tăng lãi suất huy động. Vì lẽ đó, động thái tăng lãi suất huy động của các nhà băng nhỏ không có nhiều tác động đến mặt bằng lãi suất huy động chung.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo ngân hàng cho hay, sở dĩ các ngân hàng đẩy mạnh huy động thông qua tăng lãi suất nhằm huy động vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu kinh doanh thời gian tới nhất là các tháng cuối năm nhu cầu vốn thường tăng cao hơn.
Trên thực tế, mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng vẫn khá ổn định. Theo báo cáo tình hình hoạt động trong tuần từ 26-30/8/2019 của NHNN, lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm.
Lãi suất cho vay sẽ ổn định
Do mặt bằng lãi suất huy động ổn định nên mặt bằng lãi suất cho vay cũng được dự báo sẽ ổn định trong thời gian tới. Dự báo này càng có cơ sở khi mà trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN luôn định hướng duy trì thanh khoản của hệ thống ở mức hợp lý để tạo điều kiện cho các TCTD tăng trưởng tín dụng và duy trì ổn định mặt bằng lãi suất.
Thậm chí, hồi giữa tháng 7, NHNN đã lần đầu tiên giảm 0,25% lãi suất tín phiếu kỳ hạn 7 ngày từ mức 3% về mức 2,75%. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất tín phiếu 7 ngày của NHNN vốn có tính chất như một mức “lãi suất sàn”, mang tính tham chiếu cho lãi suất liên ngân hàng. Thanh khoản hệ thống dồi dào kết hợp với động thái giảm lãi suất của NHNN đã đẩy lãi suất liên ngân hàng giảm khá mạnh.
Trên thực tế đến nay lãi suất cho vay vẫn duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất huy động đã tăng. Thậm chí lãi suất cho vay còn được các NHTM Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm thêm 0,5% đối với các lĩnh vực ưu tiên. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cũng đánh giá, về cơ bản lãi suất cho vay trong thời gian tới vẫn giữ ổn định do chủ trương chung của Chính phủ, NHNN dù điều này khiến chênh lệch đầu vào, đầu ra - NIM của hệ thống ngân hàng giảm đi.
“Chính phủ, NHNN định hướng các ngân hàng duy trì ổn định hoặc giảm lãi suất cho đối với lĩnh vực ưu tiên, vay ngắn hạn với một số khách hàng cụ thể chứ không thể thực hiện đại trà. Nếu giảm đại trà thì ngân hàng không có đủ nguồn lực. Bởi ngân hàng cũng là một doanh nghiệp họ cũng phải lo cho cổ đông, nhân viên... Chưa kể NIM của các ngân hàng đang khá thấp so với các nước trong khu vực. Vì thế, nếu có giảm lãi suất, ngân hàng chỉ giảm được đối với những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên”, ông Lực nói.
Trong khi lãnh đạo một ngân hàng cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, ngân hàng sẽ duy trì ổn định mặt bằng lãi suất. “Hiện các NHTM Nhà nước lớn đã giảm tiếp lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên nên ngân hàng cũng không dại gì tăng lãi suất cho vay để tuột mất khách. Để bù đắp khoản lãi từ tín dụng giảm, ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động hơn nữa, đa dạng hơn cũng như bổ sung tiện ích cho các dịch vụ ngân hàng hiện đại…”, vị này chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng khẳng định, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể NHNN yêu cầu các TCTD duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định hợp lý; phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh; chấp hành quy định về lãi suất tiền gửi, tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro...
“Đến thời điểm này, NHNN có thể đảm bảo được các mục tiêu điều hành chính sách đặt ra từ đầu năm. Đặc biệt là lãi suất ổn định, không có chuyện tăng lãi suất từ nay đến cuối năm. Thậm chí, đối với các lĩnh vực ưu tiên, đối tượng chính sách có thể giảm lãi suất”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Mới đây, NHNN đã ban hành công văn số 6669/NHNN-CSTT về việc lãi suất huy động của các TCTD. Theo đó để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8/1/2019.
Trong đó, các TCTD tập trung duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất. NHNN cũng khẳng định theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các TCTD và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN.
Nguồn: