Thông tin đáng chú ý trong tuần vừa qua là NHNN tuyên bố giảm 0,25% lãi suất đối với một số lãi suất điều hành như: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay OMO và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng.
Động thái này đã có tác động tức thì khiến lãi suất liên ngân hàng giảm về dưới mức 3%/năm. Tuy vậy, ở góc độ thực tế, BVSC đánh giá tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn lên lãi suất huy động hay lãi suất cho vay.
“Việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp vào khối lượng cung tiền, thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 chứ không như FED hay ECB là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất.” – BVSC nhận định.
Thêm vào đó, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, không vay được thông qua kênh liên ngân hàng mà phải tìm đến NHNN.
Ngay cả đợt cắt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 mới đây cũng gần như có tác động rất nhỏ đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.
Do vậy, việc NHNN ra quyết định cắt lãi suất hôm nay mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, còn việc có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới.
Thực tế các ngân hàng thương mại vẫn “án binh bất động” trong việc điều chỉnh lãi suất cho vay và huy động. Tại Agribank, lãi suất tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 1-2 tháng tối đa 4,5%; kỳ hạn 12-24 tháng tối đa 6,8%.
Mức lãi suất tương tự cũng được duy trì tại các ngân hàng nằm trong top đầu như Vietcombank, BIDV, Vietinbank.
Lãi suất tiết kiệm đối với VND tại Agribank.
Lãi suất huy động đối với VND, USD, và Euro tại Vietcombank.
Lãi suất huy động USD và VND tại BIDV.