Công ty chứng khoán KB Securities vừa có báo cáo nhận định về kinh tế vĩ mô năm 2020, trong đó nhận định chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục duy trì nới lỏng.
Cụ thể, nhóm phân tích đánh giá tăng trưởng cung tiền và tín dụng sẽ tương đương năm 2019, tức là ở mức lần lượt là 13% và 14%. Ước tính mức tăng thêm cung tiền trong năm 2020 vào khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng khoảng 13%.
Xu hướng đẩy mạnh cung tiền vào hệ thống (trung bình khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm) được duy trì từ năm 2016 song song với việc mua ngoại tệ nhằm bổ sung dự trữ ngoại hối. Trong năm 2019, hoạt động mua ngoại hối đã giúp điều tiết thị trường ngoại hối, giảm áp lực tăng giá của VND, đặc biệt trong bối cảnh đa số các NHTW khác đều có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trong năm 2020, khả năng cao NHNN sẽ tiếp tục mua dự trữ ngoại hối với mức khoảng 10 – 12 tỷ USD do dư địa được mở rộng thông qua quy mô GDP năm 2020 dự kiến sẽ tăng khoảng 25% (theo cách tính mới).
Ngoài ra, nhu cầu vay để trả nợ đến hạn của Chính Phủ trong 2020 ước tính là 242 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2019 nên áp lực phát hành TPCP là tương đối lớn. Việc điều chỉnh GDP sẽ tạo điều kiện để Chính phủ nới rộng các khoản vay nợ. Tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 dự báo ở mức 14%, tương đương với mục tiêu Chính phủ đặt ra, nhằm vừa đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô, vừa có thể kích thích tăng trưởng.
Đáng chú ý, chỉ số tín dụng/GDP của Việt Nam sau khi điều chỉnh GDP vào khoảng 110% (so với mức trên 130% cũ vốn nhận được nhiều cảnh báo của các tổ chức tài chính trên thế giới), mặc dù chưa phải mức lành mạnh nhưng phần nào giảm tải áp lực về lộ trình giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng của NHNN. Trong năm 2020, room tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng sẽ tiếp tục theo chỉ định của NHNN với lợi thế lớn dành cho các NHTM đã đạt chuẩn Basel 2.
Về mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong năm 2020, xu hướng giảm nhẹ sẽ xuyên suốt cả năm. Cụ thể, tác động của sự điều chỉnh lãi suất điều hành trong giai đoạn tháng 9 – 10 và 11/2019 sẽ được dần phản ánh trong nửa đầu năm2020. Ngoài ra, dư địa để NHNN có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2020 là còn khá nhiều khi lãi suất thực (đã trừ lạm phát) vẫn ở mức tương đối trong khu vực. Trong bối cảnh nếu lạm phát được kiểm soát tốt, khả năng cao NHNN sẽ giảm lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản trong quý 2 năm 2020 nhằm kích thích tăng trưởng.
Nguồn: