Để kích cầu, nhiều mẫu xe đã được giảm giá mạnh, các hãng cũng tung ra chương trình giảm 50% phí trước bạ hoặc giảm trực tiếp tiền mặt để thu hút người mua. Lãi suất cho vay mua ô tô cũng đã giảm đáng kể trong thời gian trở lại đây.
Tại Techcombank, lãi suất ưu đãi cho vay mua ô tô phục vụ việc đi lại chỉ còn từ 5,49%/năm, hạn mức vay lên đến 80%. Thời hạn vay tối đa lên đến 96 tháng. Còn đối với lãi suất cho vay mua xe để kinh doanh, lãi suất của Techcombank là 8,29%/năm cho 6 tháng đầu. Ưu đãi này áp dụng cho cả mua xe ô tô mới và xe ô tô cũ.
Shinhan Bank có 2 gói vay mua xe ưu đãi cho khách hàng, trong đó lựa chọn 1 là 6,4%/năm cố định 1 năm đầu và lựa chọn 2 là 7,5%/năm cố định toàn bộ thời gian vay. Hạn mức vay 80% giá trị xe và thời hạn vay lên đến 7 năm. Ngoài ra, lãi suất có thể giảm thêm 0,1—0,3%/năm cho một số dòng xe.
Tại UOB, lãi suất ưu đãi năm đầu tiên cho khách vay mua ô tô là 6,68%/năm và các năm sau khoảng 10,5%/năm. Hoặc nếu khách hàng chọn lãi suất cố định 2 năm đầu thì lãi suất ưu đãi là 7,49%/năm, các năm. Sau khoảng 10%/năm.
VIB thì đang áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi 7,4-7,9%/năm, số tiền vay 75-80% giá trị xe và thời gian vay tối đa 8 năm.
Các ngân hàng lớn cũng có gói vay ưu đãi cho khách hàng vay tiêu dùng như vay mua ô tô, nhà để ở. Trong đó, BIDV tung gói cho vay ưu đãi trong đó khách hàng vay mua ô tô có thể chỉ phải trả lãi suất từ 6,4%/năm trong 6 tháng đầu tại Hà Nội, TP.HCM và từ 6,6%/năm đối với các địa bàn khác.
Theo quan sát, hiện lãi suất kỳ ưu đãi cố định trong 3-6 tháng đầu phổ biến là 5,5-6,5%/năm, 1-2 năm đầu từ 6,5-8%/năm. Trước đó, năm 2019 khi chưa có đại dịch Covid-19, lãi suất kỳ ưu đãi 12 tháng đầu phổ biến từ 7,5-9%/năm; kỳ ưu đãi 2-3 năm có lãi suất cố định 8,8-9,5%/năm.
Đối với lãi suất thả nổi sau thời hạn ưu đãi, lãi suất bằng lãi suất cơ sở cộng thêm 1,5-4,5%/năm. Trong đó, lãi suất cơ sở là lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng hoặc 12 tháng, 24 tháng tuỳ vào ngân hàng. Do lãi suất tiết kiệm cũng đã giảm mạnh 1-2,5%/năm trong hơn 1 năm qua, lãi suất thả nổi theo đó cũng giảm đáng kể.
Bất chấp giá xe giảm mạnh, ngân hàng hạ mạnh lãi suất cho vay, doanh số bán xe vẫn ghi nhận sụt giảm mạnh trong những tháng gần đây. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, sản lượng bán hàng của tất cả hãng xe thuộc hiệp hội chỉ đạt 7.714 xe trong tháng 8, giảm 47% so với tháng 7 và 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc sụt giảm do tháng 8 trùng vào thời điểm nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, cùng ảnh hưởng tâm lý hạn chế mua xe trong tháng Ngâu. Trước đó, trong tháng 7/2021, doanh số bán hàng của toàn thị trường cũng chỉ đạt 16.035 xe, giảm 32% so với tháng 6/2021.
Trên thực tế, mặc dù đã giảm lãi suất nhưng nhu cầu vay mua xe chưa thể phục hồi khi nhìn vào thực trạng nhiều khách hàng vay mua xe 1-2 năm trước đang phải gồng mình trả nợ do ảnh hưởng của đại dịch. Những người mua xe để kinh doanh gần như không có thu nhập khi nhiều thành phố lớn thực hiện giãn cách xã hội nhiều tháng liền khiến xe nằm im một chỗ. Người vay mua xe để phục vụ nhu cầu đi lại cũng gặp khó khăn trả nợ khi công việc của họ cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thu nhập giảm sút. Việc xin cơ cấu nợ, giãn nợ cũng tuỳ thuộc vào quyết định của từng ngân hàng và khả năng trả nợ của người vay.
Nguồn: