Làm sao để vốn ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp được trúng và đúng?

18/12/2024
Các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm tìm lối thoát cho doanh nghiệp đi qua đại dịch Covid-19.

Các khảo sát mới đây cho thấy, nếu tình hình dịch bênh tiếp tục diễn biến phức tạp, không được kiểm soát sớm thì hơn 80% doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Do vậy, với các doanh nghiệp, những chính sách của ngân hàng như giảm lãi suất, miễn lãi, phí, giãn, hoãn nợ hoặc giữ nguyên nhóm nợ là rất thiết thực, là nguồn động viên, chia sẻ kịp thời trong bối cảnh hiện nay.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhằm tháo gỡ khó khăn, thể hiện tinh thần đồng hành, trách nhiệm với cộng đồng, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang tích cực thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ, giảm lãi/phí, giữ nguyên nhóm nợ để tiếp tục cho vay mới các khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19. Bên cạnh triển khai Thông tư 01 quy định về cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ, miễn, giảm lãi, phí, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng triển khai hàng loạt gói tín dụng qui mô khoảng khoảng 300 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5-2,5%/năm (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh).

Cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ để tiếp sức cho doanh nghiệp

Với các doanh nghiệp, việc không bị ngân hàng chuyển nhóm nợ, được hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ khi doanh nghiệp đang trong giai đoạn cầm cự là điều quý giá giúp doanh nghiệp tồn tại, có cơ hội duy trì sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Duy Hồng, lãnh đạo Công ty thực phẩm Minh Dương cho biết, do khách hàng thanh toán chậm nên công ty này rất cần kéo dài thời hạn để có điều kiện thanh toán nợ đúng hạn cho ngân hàng. Cũng theo ông, doanh nghiệp được giảm lãi suất đã mừng rồi nhưng còn được giãn, hoãn nợ thì còn mừng hơn. 

Đối với Công ty Hướng Xanh (Hà Nội), thay vì hàng tháng phải trả 40 triệu đồng cả gốc và lãi thì nay, với sự hỗ trợ của ngân hàng, công ty chỉ phải trả một nửa. Không những vậy, ngân hàng còn tiếp tục xem xét cho doanh nghiệp được vay mới để trợ giúp duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn.

Còn với công ty Tùng Lâm cũng được ngân hàng BIDV kịp thời giãn thời gian trả nợ, đồng thời giảm lãi suất cho khoản vay khoảng 1% đã giúp doanh nghiệp tồn tại để vượt qua thời kỳ khó khăn. 

Đại diện Tập đoàn Kim Nam, ông Nguyễn Kim Hùng thì đánh giá Thông tư 01 của NHNN đã rất kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu nợ, khôi phục sản xuất kinh doanh. Ông Hùng cho biết, có những công ty thuộc Kim Nam chưa rơi vào tình cảnh nợ xấu nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, công ty đã được các NHTM như VietinBank, Vietcombank chủ động làm việc để giảm lãi suất cho những kỳ hạn dưới 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng, trên 6 tháng với mức giảm tùy thuộc từng kỳ hạn, tối đa được 1,5%/năm.

Số liệu từ NHNN cho thấy, đến cuối tháng 4, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 170 nghìn khách hàng với dư nợ xấp xỉ 130 nghìn tỷ đồng; Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 14 nghìn khách hàng với dư nợ xấp xỉ khoảng 29 nghìn tỷ đồng; Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho hơn 318 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng trên 980 ngàn tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí một số TCTD đã hạ lãi suất tới 2,5% và trên 4% cho khách hàng; Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng 1%-2% cho khoảng 150 ngàn khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 (thời điểm Thủ tướng công bố có dịch) đạt trên 500 nghìn tỷ đồng.

Theo các tính toán, nếu tính trung bình trong gần 1 triệu tỷ đồng đã được các NHTM hạ lãi suất 1% thì lợi nhuận của các NHTM trong năm nay giảm ít nhất 100 nghìn tỷ đồng, và các doanh nghiệp là đối tượng được hưởng số tiền này để khôi phục sản xuất kinh doanh.

Các bên phải cùng hợp tác để hỗ trợ được trúng và đúng

Bên cạnh những doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ thì cũng có một số doanh nghiệp phàn nàn khó tiếp cận được các gói tín dụng của NHTM, nguyên nhân là do cả hai phía doanh nghiệp lẫn ngân hàng, trong đó ngân hàng phải tuân thủ các quy định phòng ngừa rủi ro trong khi doanh nghiệp chưa chứng minh được thiệt hại. Theo các chuyên gia, ngân hàng và doanh nghiệp vốn cùng chung một con thuyền, có mối quan hệ cộng sinh, doanh nghiệp yếu thì ngân hàng cũng khó khăn. Do đó cả hai phía cùng phối hợp để sự hỗ trợ của ngân hàng đến đúng đối tượng, vừa đảm bảo an toàn, hiệu quả về vốn, tránh trục lợi chính sách.

Chia sẻ tại sự kiện mới đây do Báo Trí thức trẻ tổ chức, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng lưu ý doanh nghiệp và ngân hàng cần phối hợp để có sự hỗ trợ đúng và trúng. "Nguồn lực của chúng ta là không nhiều nên trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, rất cần sự hỗ trợ, tương tác 2 chiều. Khi doanh nghiệp đưa ra những khó khăn của mình phải đúng và minh bạch thông tin để các ngân hàng trực tiếp cho vay nhìn thấy. Còn những doanh nghiệp nào có ý định ỷ lại, trục lợi và thụ động thì không nên" – ông Thân nhắn nhủ.

Còn theo ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, chính sách cho vay của các ngân hàng là khá tốt, nhưng các doanh nghiệp phải có tiếp cận từ 2 phía. Các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ khách hàng, nhưng về thực tế, ngân hàng cũng là những doanh nghiệp, phải cân nhắc các rủi ro khi giãn nợ hay giảm lãi suất đều tác động đến hiệu quả hoạt động ngân hàng. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nền tảng, điều kiện, tích lũy tư bản chưa có nhiều. Trong mùa dịch mà không có kế hoạch hậu dịch phát triển công ty thì đi vay ngân hàng sẽ trở thành gánh nặng cho chính họ, và lại ảnh hưởng đến ngân hàng. Do đó, bản thân doanh nghiệp phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh, chuẩn bị mọi điều kiện để khi dịch đi qua có thể bắt tay vào kinh doanh và phục hồi trở lại.

"Tôi khuyên doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có kế hoạch tốt hậu dịch thì không nên vay. Doanh nghiệp có nền tảng, điều kiện ổn định hơn, tốt hơn, thanh khoản hơn thì kiếm dự trữ mới thật tốt, trong nguy có cơ, sau dịch thị trường ổn định rồi thì hồi phục lại. Giải pháp tài chính tốt sẽ như lò xo bật lại, phát triển tốt hơn, cân bằng lại giai đoạn khó khăn", ông Hồng Anh nêu kiến nghị.

Trong khi đó chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc thì phân tích: "Ở đây có bài toán lợi ích cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Doanh nghiệp khỏe thì ngân hàng khỏe, doanh nghiệp yếu thì ngân hàng cũng khó khăn. Tinh thần đồng hành và chia sẻ là rất quan trọng. Vì vậy, dòng vốn tín dụng dứt khoát phải đảm bảo tiếp sức nhanh và kịp thời cho các doanh nghiệp có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Để làm được điều này cần quy trình, quy chế minh bạch, đề cao trách nhiệm của 2 bên, cần có sự trợ giúp, giám sát, thúc đẩy của các Hiệp hội và các tổ chức liên quan.

Còn ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần thay đổi nhận thức nhằm quản lý, sử dụng vốn hiệu quả và có trách nhiệm, kế hoạch sản xuất kinh doanh phải tập trung vào thế mạnh của doanh nghiệp, tìm các cách thức chuyển đổi sáng tạo để nắm bắt "cơ" trong "nguy", giảm bớt ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên tìm nguồn vốn trung và dài hạn trên thị trường vốn, như vậy sẽ đa dạng hóa được nguồn vốn, giảm phụ thuộc và áp lực vào vốn ngân hàng.

Ông Bình cũng nhận định, việc doanh nghiệp còn ít sự chủ động, thói quen tìm kiếm các dòng vốn trung và dài hạn xuất phát từ thực trạng còn hạn chế của thị trường tài chính tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong Nghị quyết 01 năm 2020, Chính phủ đã đặt ra vấn đề này như là một trong các mục tiêu trọng tâm, ưu tiên để cải thiện và thị trường vốn cũng đã có những bước tiến nhất định để đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp.


Nguồn: