Hiện nay xu thế mở và sử dụng thẻ tín dụng trong đời sống hàng ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt với giới trẻ năng động bởi nhiều ưu đãi mà loại thẻ này mang lại. Tại Việt Nam có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng phát hành bởi gần 40 Tổ chức phát hành tính đến tháng 6 năm 2021. Báo cáo nghiên cứu Hành vi & thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng (Banking Product U&A Report) năm 2021 của công ty nghiên cứu thị trường Mibrand cũng cho biết số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm khá cao với 34%. Điều này cho thấy, thị trường thẻ tín dụng đang ngày càng trở nên phát triển mạnh mẽ trong hiện tại và tương lai.
Tuy nhiên, gần đây hiện tượng rút tiền mặt đang nở rộ và bị lợi dụng để thực hiện các giao dịch khống. Hành vi gian lận này đang đi trái với mục tiêu của việc thúc đẩy sử dụng thẻ tín dụng và thanh toán không dùng tiền mặt của các tổ chức tín dụng.
Thực hiện giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ (máy POS), nghĩa là trên thực tế không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ với mục đích rút tiền mặt và trục lợi từ những ưu đãi của ngân hàng. Đây là hành vi bị cấm, song vẫn diễn ra khá phổ biến, và gây ra không ít khó khăn cho các chủ phát hành thẻ.
Chỉ cần có một thẻ tín dụng với hình thức chi tiêu trước trả tiền sau, khách hàng có thể rút 100% hạn mức qua máy POS với mức phí thấp mà không cần có giao dịch mua hàng. Thông thường khi dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt qua ATM thì khách hàng thường phải chịu phí từ 4-5% tùy ngân hàng. Tuy nhiên, nếu sử dụng chiêu trò lách luật bằng giao dịch khống bên trên, chủ thẻ chỉ cần trả phí 1,2-1,5% và còn được miễn lãi 45 ngày trong khi nếu rút tiền từ ATM thì sẽ bị ngân hàng tính lãi ngay.
Nếu tìm kiếm cụm từ "rút tiền mặt từ thẻ tín dụng" trên Google, sẽ không khó bắt gặp rất trang web quảng cáo, chào mời rút tiền với phí thấp hơn chỉ bằng một nửa ngân hàng, thực hiện 24/24… Thậm chí, có hiện tượng một số đơn vị chấp nhận thẻ đăng ký POS dưới dạng nhà hàng/quán café/cửa hàng, sau đó tự quẹt thẻ tín dụng qua POS mà không phát sinh hàng hóa dịch vụ, không phát sinh chứng từ có thuế, để nhận ưu đãi. Hành vi này vi phạm các chính sách về hóa đơn thuế hiện hành của Nhà nước.
Trước vấn đề nhức nhối này, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp và siết chặt quản lý hoạt động thẻ tín dụng nỗ lực hạn chế tình trạng gian lận giao dịch điện tử. Thông tư số 19/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động thẻ ngân hàng tại khoản 2, Ðiều 8 về các hành vi bị cấm đã ghi rõ, đó là việc thực hiện giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch khống tại đơn vị chấp nhận thẻ (không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ).
Thêm vào đó, Nghị định 88/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực từ đầu năm 2022) đã nâng mức xử phạt đối với việc thanh toán thẻ không đúng quy định của pháp luật lên tới 150.000.000 VNĐ, thay cho mức 50 – 100.000 VNĐ như trước đây.
Nhìn nhận rủi ro về giao dịch mua hàng khống bằng thẻ tín dụng, hiện tượng này sẽ để lại rất nhiều hệ lụy nếu không được kiểm soát triệt để. Khách hàng có thể rơi vào vòng xoáy nợ nần, vì vừa phải trả nợ cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng, vừa tiếp tục phải trả phí cho điểm rút tiền thực hiện giao dịch khống. Còn với ngân hàng phát hành thẻ, việc khách hàng rút tiền từ thẻ tín dụng có thể làm méo mó thị trường tín dụng; gián tiếp tạo nên nợ xấu, khi công nợ vượt quá khả năng trả nợ của chủ thẻ.
Dù đã có sự can thiệp từ luật pháp, nhưng để hạn chế tình trạng này người dùng phải tự nâng cao ý thức và phải thật cẩn trọng trong việc sử dụng thẻ tín dụng. Không nên vì lợi ích trước mắt thực hiện các giao dịch vi phạm quy định, hoặc bị kẻ xấu lợi dụng làm giả thẻ ngân hàng để trục lợi.
https://cafef.vn/lo-hong-tu-the-tin-dung-giao-dich-khong-chua-duoc-kiem-soat-triet-de-20220328155754032.chnNguồn: