M&A công ty tài chính và làn sóng thứ 2: Vì sao hấp dẫn khối ngoại?

25/11/2024
“Những cô gái đẹp”, xin mượn hình ảnh này của Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển để nói về làn sóng các công ty tài chính Việt Nam hấp dẫn “rể ngoại”.

5 năm trước, sau thương vụ sáp nhập Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex -Viettel, trong một lần thảo luận với cổ đông, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) từng ví von: Đây như một cô gái đẹp nên nhiều chàng trai để mắt và hỏi cưới…

LÀN SÓNG THỨ 2

Ngày 25/8 vừa qua, ông Hiển một lần nữa dùng hình ảnh "cô gái đẹp" khi nói về thỏa thuận bán lại công ty trên cho nước ngoài.

Thỏa thuận SHB bán lại SHB Finance nối dài làn sóng M&A (mua bán, sáp nhập) công ty tài chính những năm gần đây, và chưa dừng lại.

Lịch sử phát triển hệ thống các công ty tài chính Việt Nam ghi nhận làn sóng M&A đầu tiên chủ yếu giữa các tổ chức nội địa. Các ngân hàng thương mại (NHTM) mua lại công ty tài chính từ các tập đoàn, tổng công ty chủ yếu có vốn nhà nước.

Những năm gần đây, kéo dài cho đến nay, và chưa dừng lại là làn sóng M&A thứ 2: sau khi thực hiện làn sóng M&A nói trên, các NHTM lần lượt bán và chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, trên nền khủng hoảng COVID-19, thị trường vừa liên tiếp chứng kiến thương vụ kỷ lục VPBank bán 49% cổ phần FE Credit, rồi vừa mới tuần qua SHB thỏa thuận bán lại SHB Finance cho đối tác ở hải ngoại.

Trước nữa, MSB cũng công bố kế hoạch bán toàn bộ 100% vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng Đồng (FCCOM), mà Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh tính toán việc chuyển nhượng sẽ được hoàn thành trong năm nay.

Xa hơn một chút, cuối năm 2018, Techcombank cũng đã hoàn tất chuyển nhượng TechcomFinance cho Tập đoàn Lotte Hàn Quốc. Hay MB, HDBank cũng lần lượt bán 49% cổ phần tại công ty tài chính tiêu dùng cho các đối tác Nhật Bản…

Hẳn thị trường đang có so sánh trong làn sóng thứ 2 này. Thương vụ của SHB và đặc biệt thương vụ của VPBank diễn ra trên nền của cuộc khủng hoảng COVID-19 chắc chắn khiến giới đầu tư nhìn lại vấn đề định giá, hoặc được giá, khi đặt cạnh các thương vụ mà các NHTM thực hiện trước đây.

SHB Finance có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, thỏa thuận bán 100% với dự kiến thu về gần 3.600 tỷ đồng. FE Credit vốn điều lệ 10.928 tỷ đồng, bán 49% thu về khoảng 30.000 tỷ đồng. Như vậy nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng trả mức giá cao gấp nhiều lần mệnh giá để sở hữu.

Cũng như trong làn sóng M&A thứ 2 đang nối dài, vì sao họ trả những mức giá cao gấp nhiều lần như vậy, ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch và tín dụng tiêu dùng là phân khúc chịu ảnh hưởng lớn?

CON ĐƯỜNG NGẮN NHẤT

Thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam chỉ mới thực sự phát triển khoảng 5 năm trở lại đây. Phân khúc này trước đó gần như bị bóp nghẹt.

Bởi đã có một quá trình lâu dài Việt Nam sử dụng lãi suất cơ bản. Quy định trần lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản từng được giới phân tích nhìn nhận là rào cản lớn nhất đối với tín dụng tiêu dùng. Lĩnh vực có mức độ rủi ro cao, thậm chí đến giờ một số lãnh đạo NHTM vẫn xem là "cho vay dưới chuẩn", đòi hỏi có lãi suất cao để bù đắp.

Thế rồi lãi suất cơ bản, cũng như khái niệm của nó, dần dần và lặng lẽ không còn xuất hiện trên thị trường. Rào cản trên được tháo gỡ và các công ty tài chính có lõi trọng tâm cho vay tiêu dùng ra đời.

Với nhà đầu tư nước ngoài, việc mua lại công ty tài chính để thâm nhập thị trường Việt Nam là con đường ngắn nhất. Ngắn cả về không gian và thời gian, so với việc gây dựng và phát triển hệ thống, đặc biệt là về tệp khách hàng từ vạch xuất phát mới tinh.

Nhưng quan trọng hơn, con đường ngắn nhất ở đây có thể nhìn vào thực tế cấp giấy phép.

Nhìn lại lịch sử phát triển hệ thống công ty tài chính tại Việt Nam, số giấy phép được cấp mới cho việc thành lập mới hoàn toàn rất hạn chế những năm gần đây. Nếu từ sau năm 2008 Việt Nam không có giấy phép nào thành lập ngân hàng nội địa mới, thì các giấp phép lập công ty tài chính cũng chủ yếu chỉ có được những năm 2008 - 2010.

VỊ THẾ LỢI NHUẬN NGANG NGỬA

Cùng với nguyên do trên, dĩ nhiên điểm chính thu hút nhà đầu tư nước ngoài vẫn là tiềm năng thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam.

Trước hết, theo thống kê đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng tiêu dùng của Việt Nam đã đạt mức khá cao, tới 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm 20% dư nợ cho vay nền kinh tế. Trong đó, tính riêng nhóm các công ty tài chính tiêu dùng thì dư nợ đạt khoảng khoảng 130 nghìn tỷ đồng với hơn 30 triệu khách hàng. Đây là con số ấn tượng đối với một phân khúc còn khá mới tại Việt Nam.

Cùng đó, khả năng sinh lời của mảng này cho thấy sức hấp dẫn đáng chú ý. Cập nhật số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm hết quý 3/2020, các chỉ số sinh lời ROA và ROE của các công ty tài chính, cho thuê tài chính đạt 2,19% và 10,55%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn hệ thống là 0,75% và 9,09%.

Mặt khác, dù phát triển nhanh nhưng tín dụng tiêu dùng vẫn chỉ chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ nền kinh tế. Nếu so với các nước nước trong khu vực như Malaysia (15%), Thái Lan (17%), Indonesia (22,7%), Hàn Quốc (35%) thì tỷ lệ ở Việt Nam còn quá nhỏ. Đây cũng là chỉ số cho thấy dư địa phát triển cho lĩnh vực này vẫn còn rất rộng mở.

Như vậy sức hấp dẫn của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đang được lượng hóa cụ thể. Và trên mảnh đất này đã có những thành viên vươn tầm vị thế lợi nhuận ngang ngửa, thậm chí vượt qua nhiều NHTM.

Như trường hợp FE Credit, trước khi đại dịch COVID-19 xẩy ra, lợi nhuận đã vượt xa nhiều nhà băng khi đạt 4.500 tỷ đồng vào năm 2019. Trả lời nhà đầu tư tại hội nghị trực tuyến ngày 12/8 vừa qua, lãnh đạo ngân hàng mẹ là VPBank tính toán rằng, FE Credit có thể đạt lợi nhuận trên dưới 6.000 tỷ đồng, thậm chí năm 2023 có thể tăng trưởng khoảng 80% và duy trì dến 2025.

Với tốc độ và lộ trình đó, lãnh đạo VPBank dự tính nhiều khả năng lần đầu tiên lợi nhuận một công ty tài chính sẽ sánh ngang với top 5 NHTMCP trên thị trường.

Nguồn: