‘Miếng bánh’ ví điện tử đang trong tay ai?

26/11/2024
28 ví được cấp phép nhưng 80-90% thị phần thuộc về vài cái tên như Payoo, MoMo, SenPay, Moca, AirPay và ZaloPay.

Hơn chục năm từ khi ví điện tử đầu tiên được thí điểm, Việt Nam đã có 28 đơn vị được cấp phép kinh doanh ví. Thế nhưng, theo số liệu từ Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, hầu hết thị phần về số lượng ví được mở, số dư, lượng giao dịch qua ví... chỉ rơi vào 5-6 ví.

Tính đến tháng 8/2019, 5 ví có số dư lớn nhất chiếm hơn 80% số dư toàn thị trường là Payoo, MoMo, SenPay, Moca và Airpay. Trong khi đó, Airpay, MoMo, Senpay, Moca và VTC Pay là các ví điện tử có số lượng phát hành luỹ kế lớn nhất.

Trong quý II, 95% giá trị giao dịch toàn thị trường ví tập trung vào 5 đơn vị là Payoo, MoMo, Senpay, Airpay và Zalopay.

Một số ứng dụng ví điện tử tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang

Một số ứng dụng ví điện tử tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang

Bà Trương Hồng Liên, Chủ nhiệm phụ trách mảng công nghệ tài chính của Công ty EY Consulting cho biết, bản chất của ví điện tử được dùng cho chi tiêu hàng ngày, giao dịch có giá trị nhỏ nhưng có tính thường xuyên. Vì thế, ai sở hữu hệ sinh thái đủ lớn (đảm bảo có các giao dịch thường xuyên) và có chương trình khuyến mãi sẽ chiếm được thị phần.

Thương mại điện tử được xem là một hệ sinh thái góp phần làm nên thành công cho nhiều ví điện tử.

Trong bối cảnh thương mại điện tử tại Việt Nam trở thành điểm nóng và tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều ví điện tử hưởng lợi từ các "khu chợ online". Theo báo cáo của JP Morgan, 19% giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam được thực hiện qua ví điện tử. Giá trị giao dịch thương mại điện tử qua ví điện tử ngang với thanh toán bằng tiền mặt, xếp sau thanh toán qua thẻ (34%) và chuyển khoản ngân hàng (22%). 

Tại Việt Nam, Senpay hay Airpay là những ví điện tử điển hình nhất có lợi thế khi nằm trong một hệ sinh thái thương mại điện tử sẵn có. Hậu thuẫn bởi Tập đoàn FPT, Senpay được sử dụng như một phương thức giao dịch giữa sàn thương mại điện tử Sendo và các chủ shop. Khách hàng của Sendo cũng có thể giao dịch bằng ví Senpay. Hiện nay, Sendo là một trong 4 sàn thương mại hàng đầu tại Việt Nam, sở hữu tệp khách hàng là các nhà bán hàng trong nước và người mua chủ yếu ở khu vực tỉnh lẻ.

Còn về AirPay, ví điện tử này là sản phẩm của Công ty phát triển thể thao điện tử Việt Nam (tiền thân là Garena Việt Nam), được "chống lưng" bởi Tập đoàn SEA (sở hữu sàn thương mại điện tử Shopee và nền tảng giải trí trực tuyến Garena). SEA cũng là nhà đầu tư rót tiền vào dịch vụ ăn uống Foody (Now). Bởi vậy, AirPay tại Việt Nam không những có hệ sinh thái từ giao dịch mua sắm trên Shopee, mà còn hưởng lợi từ tệp khách hàng mua thẻ game của Garena và đặt đồ ăn trực tuyến qua Now.

Một cái tên khác là ZaloPay, nằm trong danh sách có giá trị giao dịch lớn nhất trong quý II/2018. ZaloPay được cấp phép ví điện tử từ năm 2016, sở hữu bởi Công ty Zion, thuộc Tập đoàn VNG. Ví ZaloPay là một phương tiện thanh toán được sử dụng trên Tiki, sàn thương mại điện tử do Tập đoàn VNG góp vốn và là một trong ba sàn có lượng truy cập lớn nhất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ZaloPay có lợi thế từ khoảng 100 triệu người dùng Zalo và tệp khách hàng mảng game của VNG. 

Tuy không có lợi thế sẵn có từ thị trường thương mại điện tử như những cái tên kể trên, MoMo, Moca hay Payoo vẫn nằm trong danh sách ví điện tử có thị phần lớn nhất nhờ phát triển hệ sinh thái riêng. 

MoMo là một trong những ví điện tử tiên phong trên thị trường khi được cấp giấy phép thí điểm từ năm 2009 và có giấy phép chính thức từ 2015. Dòng vốn từ các quỹ đầu tư lớn như Warburg Pincus, Goldman Sachs, Standard Chartered... đổ vào (khoảng 140 triệu USD, theo dữ liệu trên Crunchbase) đã khiến MoMo phát triển nhanh và mạnh, đặc biệt từ năm 2018 đến nay.

Ví điện tử này từng bước hợp tác những điểm offline asset (thương mại, bán lẻ truyền thống) và có hơn 100.000 điểm thanh toán, đồng thời dốc tiền làm khuyến mãi thu hút khách sử dụng ví.

Ông Nguyễn Xuân Trường, giám đốc dịch vụ chuyển tiền của công ty chủ quản MoMo từng nhận định, "không có gì" lại là một lợi thế mà người ta gọi là "lợi thế bất công" của MoMo. Ông nhận định thị trường bán lẻ rất lớn và đó là cơ hội cho MoMo, điều quan trọng là tạo ra một liên minh trong một hệ sinh thái lớn.

Cùng với việc đẩy mạnh giao dịch tại các cửa hàng nhỏ lẻ, MoMo còn có thể thanh toán được trên Tiki và Adayroi, những sàn thương mại điện tử vốn đã có chỗ cho ví "người nhà".  

Kế đến là Moca,  một trong 5 ví có số dư lớn nhất tại Việt Nam tính đến tháng 8/2019. Bước đột phá của Moca được biết đến thông qua cái "bắt tay" chiến lược với Grab vào năm 2018, hình thành nên Grabpay by Moca. Các giao dịch không tiền mặt từ gọi xe cho đến đặt đồ ăn được thực hiện qua ví Moca trên ứng dụng Grab. Bên cạnh đó, tương tự với chiến lược của MoMo, Grabpay by Moca cũng đang dồn lực xây dựng đại lý với các cửa hàng nhỏ lẻ và tung hàng loạt chương trình khuyến mãi cho người dùng.

Ngoài ra, một cái tên khác trong top ví điện tử có giá trị giao dịch lớn là Payoo (thuộc Công ty VietUnion). Là một trong hai đơn vị đầu tiên được cấp giấy phép thí điểm vào năm 2009, Payoo có lợi thế của người đi đầu và xây dựng được mạng lưới thanh toán hoá đơn (điện, nước...) khắp mọi miền tại các điểm bán lẻ như Vinmart+, Thế giới di động, Điện Máy Xanh...

70% người Việt chưa có tài khoản ngân hàng và vẫn có thói quen dùng tiền mặt thanh toán hoá đơn tiện ích. Cùng với mạng lưới điểm thu rộng khắp, đó là điều kiện khiến cho Payoo có lợi thế ở ngách thanh toán hoá đơn tại cửa hàng bán lẻ.

Nhìn từ vị thế của nhóm dẫn đầu này, có thể thấy những tay chơi dẫn dắt thị trường là kẻ sinh ra trong một hệ sinh thái sẵn có hoặc/và tự gây dựng nên được một mạng lưới rộng khắp, từ bán lẻ truyền thống đến thương mại điện tử và các dịch vụ tiềm năng khác của nền kinh tế Internet.

Quỳnh Trang

Nguồn: