Theo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Việt Nam hiện có hơn 1,4 triệu chứng thư số công cộng và hơn 220.000 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động.
Tuy nhiên, các lĩnh vực ứng dụng chữ ký số trong nước còn hạn chế (ở 3 lĩnh vực), chưa áp dụng nhiều vào dịch vụ công, lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia cho hay, thị trường chữ ký số cho doanh nghiệp đã đạt tới mức bão hòa, thị trường chữ ký số cá nhân còn rất khiêm tốn (khoảng 10%) trong khi tiềm năng ở thị trường này là rất lớn.
Chữ ký điện tử được xem như một trong những công cụ đắc lực nhất phục vụ công cuộc chuyển đổi số (Ảnh minh họa: KT)
Bên cạnh đó, việc chữ ký số công cộng tại Việt Nam chưa liên thông, xác thực chéo được với hệ thống chứng thực chữ ký số quốc tế và các nền tảng phổ biến cũng gây khó khăn trong giao dịch điện tử giữa doanh nghiệp, cá nhân trong nước với doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài.Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do chưa có ứng dụng sử dụng chữ ký số cho cá nhân, đồng thời dịch vụ này cũng chưa thể sử dụng trên các thiết bị di động.
Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho rằng, chữ ký số nói riêng và chữ ký điện tử nói chung cần được mở rộng về phạm vi ứng dụng và quy mô xác thực quốc tế, bởi hiện chữ ký số công cộng tại Việt Nam chưa liên thông, chưa xác thực chéo được với hệ thống chứng thực chữ ký số quốc tế và các nền tảng phổ biến. Điều này cũng gây khó khăn trong giao dịch điện tử giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.
“Hiện chưa có giải pháp liên thông giữa RootCA quốc gia và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc tế. Các ứng dụng trên nền tảng trực tuyến để xác thực như chứng thực SSL của CA trong nước còn hạn chế do không được các nền tảng phổ biến công nhận. Ngoài ra chữ ký số trong nước chưa hỗ trợ ký hợp đồng điện tử được với doanh nghiệp không có giấy phép đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, cũng là một hạn chế hiện nay”, ông Lê Đức Anh cho hay.
Bộ TT&TT được giao tổng kết thi hành Luật Giao dịch điện tử. (Ảnh minh họa: KT) |
|
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, chi phí cho các giải pháp chữ ký số hiện nay trên thị trường vẫn khá cao đối với nhu cầu sử dụng của khách hàng cá nhân và là một khoản đầu tư lớn đối với các ngân hàng.
“Chứng thư số cá nhân chưa phổ biến, theo đó việc áp dụng Hợp đồng điện tử chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nền tảng số, sản phẩm số; khách hàng vẫn phải ký tươi lên các thỏa thuận, hợp đồng, khế ước... Việc trao đổi văn bản điện tử được ký điện tử bằng chữ ký số còn nhiều bất cập do các đơn vị áp dụng, ứng xử khác nhau với hình thức văn bản này, cụ thể là từ chối, không chấp nhận do điều kiện hạ tầng và quy định nội bộ…”, ông Dũng nói.
Đại diện Vụ Thanh toán thông tin thêm, nhiều ngân hàng đề xuất việc sử dụng mã OTP (One-Time Password) kết hợp đa thành tố (Username & password), yếu tố sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, võng mạc...) để xác thực thỏa thuận, khế ước nhưng lại không đáp ứng quy định của pháp luật về tính pháp lý của chữ ký điện tử.
Theo ông Phạm Quang Hiếu, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, như CPTPP, EVFTA… do đó, để có thể chủ động hội nhập, luật pháp của Việt Nam cần phải hoàn thiện phù hợp với các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc gia nhập.
Trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nổi lên của nền kinh tế số tại Việt Nam, chữ ký điện tử được xem như một trong những công cụ đắc lực nhất phục vụ công cuộc chuyển đổi số. Do đó, cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chữ ký điện tử nhằm thúc đẩy thanh toán số.
Đánh giá tầm quan trọng của Luật Giao dịch điện tử trong thời kỳ mới, ngày 01/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó giao Bộ TT&TT thực hiện nhiệm vụ “Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Giao dịch điện tử”./.
Nguồn: