Một cú sốc lãi suất vừa trôi qua

22/11/2024
Cú sốc diễn ra ngay tại thời điểm nhà điều hành hạ trần lãi suất tiền gửi và cho vay, khi hệ thống vừa mới dư thừa nguồn.

Nếu tính theo số phiên giao dịch, cú sốc lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng hình thành chỉ trong một tuần, từ 19-26/11.

Ngày 19/11 cũng là ngày đầu tiên quyết định hạ trần lãi suất tiền gửi và cho vay VND (đối với một số nhóm và phạm vi điều chỉnh) của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực. Thông tin về quyết định này, nhà điều hành cho biết thanh khoản hệ thống khi đó có dư thừa.

Thế nhưng, cú sốc diễn ra, khi lãi suất VND có những bước tăng khác biệt so với quãng ổn định kéo dài trước đó, rồi đột ngột nhảy vọt.

Cụ thể và điển hình như ở lãi suất VND qua đêm, từ quanh 1,7%/năm trước đó lên 2,1%, vượt trên 3%, vượt 4% qua từng phiên; và như phiên 26/11 mức bình quân qua đêm lên tới 4,55%/năm (bình quân, có nghĩa có những giao dịch ở những mức cao hơn).

Chỉ qua một tuần, lãi suất VND liên ngân hàng đột ngột tăng cao hơn gấp đôi so với mặt bằng ổn định trước đó.

Đột ngột, nhưng không quá bất thường, vì thị trường và phản ứng của lãi suất (hoặc tỷ giá) vẫn luôn có khả năng nhạy và mạnh như vậy. Mà cũng không chỉ tại Việt Nam, nhìn sang thị trường Mỹ cũng từng có những cú sốc như vậy.

Không xa, trung tuần tháng 9 vừa qua, lãi suất cho vay qua đêm tại thị trường Mỹ cũng gây hoảng hốt khi từ khoảng 2%/năm vọt lên tới 10%/năm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Chi nhánh New York khi đó đã cấp tập bơm lượng tiền lớn, can thiệp.

Nguyên do chính, một nguồn tiền lớn đột ngột rút ra. Các doanh nghiệp tại nước này có “cuộc hẹn” lớn cùng rút tiền ra để thực hiện nộp thuế… Nguồn tiền thiếu hụt tạm thời và quy mô lớn tạo cú sốc lãi suất.

Khi đó Fed can thiệp bằng việc mua vào các loại trái phiếu, đồng nghĩa với đưa tiền ra quy mô lớn.

Trở lại với Việt Nam, một cán bộ khối nguồn tại ngân hàng thương mại lớn nói vui với BizLIVE rằng, Ngân hàng Nhà nước giờ là “thánh soi” của hệ thống rồi; hàng tuần, hàng ngày cơ quan này có thể soi rõ phần thiếu hoặc dôi dư khá cụ thể ở các ngõ ngách, miễn là nó thể hiện trên hệ thống thống kê và được báo cáo định kỳ.

Ý trên được lý giải cho sự điều tiết và can thiệp khá nhịp nhàng của Ngân hàng Nhà nước trước cú sốc vừa qua.

Trước thềm cú sốc này, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động ngừng phát hành tín phiếu hút bớt tiền về, lượng tín phiếu cũng đến thời điểm đáo hạn gần hết (chính thức về 0 vào ngày 27/11). Từ khoảng 90.000 tỷ đồng cuối quý II đầu quý III, lượng tiền “tạm nhốt” ở kênh tín phiếu đã chảy trở lại hệ thống.

Và cũng như Fed, Ngân hàng Nhà nước trở lại mua vào giấy tờ có giá, qua mở van “bơm” vốn ở cho vay cầm cố trên thị trường mở (OMO). Liên tiếp 3 phiên, từ 5.000 tỷ, 25.000 tỷ và 7.000 tỷ đồng chào thầu “bơm” ra. Cầu vốn không quá căng thẳng, phản ánh ở thực tế nguồn cung dư thừa ở các phiên đó mà các tổ chức tín dụng không cần vay hết. Và đến hôm nay (28/11), nhà điều hành đã không phải chào thầu nữa, kênh này đã không có phát sinh giao dịch.

Cú sốc lãi suất VND ở đây cũng nhanh chóng hạ nhiệt, dù vẫn ở mức khá cao. Đến hôm nay (28/11), lãi suất VND qua đêm từ sáng đến chiều giao dịch ổn định 3,61 - 3,62%/năm, đã giảm rất mạnh so với bình quân 4,55%/năm chỉ vài ngày trước đó.

Ngoài tạo cung, có một yếu tố quan trọng là Ngân hàng Nhà nước cũng đã giảm mạnh lãi suất hỗ trợ nguồn qua OMO, từ 4,5%/năm trước đó xuống 4%/năm.

Như trên, khi nói Ngân hàng Nhà nước là “thánh soi” cân đối nguồn trong hệ thống, vậy vì sao vẫn có cú sốc lãi suất vừa diễn ra?

Nhìn sang trường hợp trên tại Mỹ, có bóng dáng mối liên hệ của chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, khi một nguyên do chính là doanh nghiệp dồn tiền nộp thuế…

Tại Việt Nam, như BizLIVE đề cập ở những bản tin vừa qua, cũng có bóng dáng của chính sách tài khóa, bởi tháng 11 này nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước buộc phải kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước. Nguồn tiền lớn này không còn đọng lại ở tài khoản một số ngân hàng thương mại lớn để có thể tranh thủ cho vay trên liên ngân hàng, tạo nguồn con thoi như trước.

Chính sách liên quan Bộ Tài chính đã ban hành từ cuối tháng 8, có 2 tháng để hệ thống chuẩn bị (nếu tính cả quãng làm dự thảo thì còn nhiều thời gian hơn). Nhưng có thể có một biến số liên quan đến tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước đáo hạn trong tháng này mà không tái tục, kết chuyển thêm về Ngân hàng Nhà nước mà dẫn đến “hẫng” nguồn tạm thời.

Và như trên, khi nguồn tiền lớn kết chuyển về, Ngân hàng Nhà nước có điều kiện để nắm bắt và kiểm soát các dòng chảy trong hệ thống sát sao hơn, từ đây tạo thuận lợi hơn trong ứng xử và can thiệp khi có biến động, với tính hiệu lực cao hơn.

Như vậy, cú sốc lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đang tạm trôi qua. Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời bình ổn. Kịp thời, bởi nếu một sự leo thang và kéo dài, chi phí cân đối thanh khoản của các tổ chức tín dụng sẽ đội lên, mà thông thường có thể truyền dẫn sang người dân và doanh nghiệp vay vốn.

Nguồn: