Nhiều năm không hoàn thành kế hoạch kinh doanh
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thuơng (Saigonbank) là ngân hàng thương mại theo mô hình cổ phần đầu tiên tại Việt Nam trong khối ngân hàng vào năm 1987. Tính đến nay hơn 30 năm, nhưng hoạt động của ngân hàng cổ phần đầu tiên này dường như vẫn lẹt đẹt.
Theo công bố từ Saigonbank, ngân hàng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 04/10 tới đây để bầu nhân sự nhiệm kỳ 2019 – 2024 khi ngân hàng này đang khuyết thiếu vị trí Chủ tịch HĐQT.
Saigonbank cũng thuộc nhóm ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống khi vẫn duy trì mức tối thiểu tương đương vốn pháp định là 3.080 tỷ đồng từ nhiều năm nay, mặc dù kế hoạch tăng vốn lên 4.080 tỷ đồng từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy.
Cổ đông lớn tại Saigonbank đang là Văn phòng Thành uỷ TP.HCM nắm giữ 18,18%, tiếp đến là Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận nắm giữ 16,64%, Công ty TNHH MTV Thương mại Kỳ Hoà nắm giữ 16,35%, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM nắm giữ 14,08% vốn điều lệ của Saigonbank.
Hiện vẫn còn 2 ngân hàng TMCP: Ngoại Thương (Vietcombank) và Công thương (Vietinbank) nắm giữ dưới 5% vốn điều lệ của Saigonbank.
Hoạt động kinh doanh của Saigonbank không có gì nổi trội trong khối ngân hàng và có phần bình lặng, có thể coi “già nua” như chính số năm cổ phần hoá của nó, không năng động như một số ngân hàng TMCP “trẻ”: Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) hay Tiên Phong (TPBank) đều thành lập năm 2008.
Do đó, hoạt động kinh doanh của Saigonbank những năm trở lại đây đều không hoàn thành kế hoạch đề ra, đặc biệt là lợi nhuận sụt giảm. Ngân hàng này cũng đã đề ra kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2016 – 2020, tuy nhiên, đến nay dường như chưa có sự khởi sắc.
Cụ thể, các chỉ tiêu kinh doanh năm 2018 có sự sụt giảm so với năm 2017. Về tổng tài sản giảm 4% (còn 20.373 tỷ đồng); huy động vốn giảm 6% (còn 16.634 tỷ đồng); dư nợ cho vay giảm 3% (còn 13.771 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế giảm 26% (còn 52,5 tỷ đồng). 2018 là năm thứ 2 liên tiếp Saigonbank có mức lợi nhuận sụt giảm mạnh.
Nguồn: BCTN các năm của Saigonbank.
Trước đó, năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank cũng sụt giảm mạnh mẽ khi chỉ thực hiện được 26% kế hoạch, con số đạt được chỉ là 71 tỷ đồng trên 270 tỷ đồng đặt ra và giảm tới 59% so với năm 2016.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu kinh doanh khác cũng không hoàn thành kế hoạch dù tăng trưởng so với năm 2016. Tổng tài sản tăng 12% nhưng chỉ đạt 92% kế hoạch; huy động vốn tăng 16%, đạt 94% kế hoạch; dư nợ cho vay tăng 13%, đạt 95% kế hoạch.
Hoạt động “cài số lùi” của Saigonbank kể từ năm 2016 kéo đến năm 2018 khi năm 2016 các chỉ tiêu cũng không hoàn thành kế hoạch, riêng có lợi nhuận trước thuế lại vượt 33% kế hoạch và đạt 174 tỷ đồng, tăng 2 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, đây là con số “xa xưa” rồi.
Liệu năm 2019, Saigonbank có hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đặt ra không? Mặc dù, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay là 88 tỷ đồng, đã đạt 50% kế hoạch năm, nhưng chỉ bằng 79% so với cùng kỳ 2018.
Tỷ lệ an toàn vốn rất cao nhưng nợ xấu vẫn tăng
Một điều đáng quan tâm là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) tại Saigonbank rất cao trong giai đoạn 2016 – 2018, luôn trên 19%, trong khi nhiều ngân hàng khác chỉ duy trì ở mức 10-12%, và CAR trung bình ngành là 12,14% (số liệu từ Ngân hàng Nhà nước).
Nguồn: BCTN các năm của Saigonbank.
Chính vì duy trì tỷ lệ CAR rất cao, gần gấp đôi trung bình ngành cộng với tỷ lệ sử dụng dư nợ cho vay so với tổng huy động vốn chỉ dưới 80%, thấp hơn trung bình ngành là 88%, khiến cho khả năng khai thác vốn chủ sở hữu và hiệu quả sử dụng tài sản của Saigonbank kém hơn các ngân hàng khác.
Điều này có thể thấy khi tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của Saigonbank năm 2018 chỉ ở mức 0,2%, rất thấp so với trung bình ngành là 0,7%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ( ROE ) của Saigonbank cũng chỉ ở mức khiêm tốn 4,53%, so với trung bình ngành là 9,06%.
Tuy nhiên, CAR cao sẽ giúp cho rủi ro tín dụng thấp nhưng tỷ lệ nợ xấu tại Saigonbank lại khá cao so với nhiều ngân hàng khác khi xấp xỉ ngưỡng 3%. Chẳng hạn, nợ xấu năm 2016 là 2,63%, năm 2017 là 2,97%, năm 2018 là 2,19%, trong khi tỷ lệ nợ xấu toàn ngành khoảng 2% (theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước).
Chính vì vậy, Saigonbank phải dùng gần hết lợi nhuận kiếm được để trích lập dự phòng rủi ro, như năm 2018 chiếm tới 86%, năm 2017 là 80% và năm 2016 là 44%.
Mức trích lập càng cao, lợi nhuận trước thuế sụt càng mạnh, tương ứng năm 2018 còn 52,5 tỷ đồng, năm 2017 còn 71 tỷ đồng và năm 2016 là 174 tỷ đồng.
Là một ngân hàng nhỏ, đã có thời điểm vào năm 2015 có thông tin Saigonbank sẽ sáp nhập vào Vietcombank, tuy nhiên, đến nay Saigonbank vẫn một mình trong sự phát triển chậm chạp và cũng chưa có kế hoạch tăng vốn để cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ.
Liệu ĐHĐCĐ bất thường tới đây có giúp Saigonbank sự thay đổi đột phá nào không?
Nguồn: