Vietinbank mới đây thông báo rao bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Thương mại - Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng Bách Khoa Việt. Tổng dư nợ đến ngày 13/5 là 541 tỷ đồng và 16 triệu USD, gồm nợ gốc, lãi cộng dồn và lãi chậm trả.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ bao gồm một loạt bất động sản như 3 thửa đất và tòa nhà 9 tầng tại số 8 Phan Văn Trường, Cầu Giấy (Hà Nội); 42 quyền sử dụng đất tại dự án Khu du lịch sinh thái biển Lạc Việt (Bình Thuận); 90 quyền sử dụng đất tại xã Vĩnh Hảo, Tuy Phong (Bình Thuận); quyền sử dụng và tài sản của nhiều lô đất khác tại TP.HCM, Đà Nẵng, Bến Tre, Lâm Đồng.
Ngoài ra, khoản nợ còn bao gồm một số tài sản khác như xe ôtô Bentley Bentayga 2016, cửa hàng xăng dầu tại Lâm Đồng và hàng tồn kho luân chuyển của công ty.
BIDV vừa qua cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ hơn 272 tỷ đồng của Công ty TNHH Phạm Tôn. Tài sản đảm bảo là 5 quyền sử dụng đất tại TP.HCM, Bình Dương, cùng 14 xe ôtô các loại.
Tháng trước, BIDV thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên, chủ đầu tư dự án khu căn hộ Kenton.
Cụ thể, tài sản đấu giá là toàn bộ nợ gốc, lãi phát sinh tạm tính đến ngày 29/3/2020 là hơn 4.063 tỷ đồng. Tài sản thế chấp của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. HCM.
Tài sản này được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVCombank, trong đó BIDV chiếm 58% giá trị tài sản. Giá trị định giá tài sản là 7.837 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là 4.545 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 2, BIDV cũng rao bán khoản nợ trị giá gần 1.300 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Vinaxuki) và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Vinaxuki Thái Nguyên).
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm: Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội, tổng diện tích đất là 138.814,7m2, Máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh; Quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại Thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; Tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên tại Khu B-KCN Nam Phổ Yên, Thái Nguyên.
Một ông lớn ngân hàng khác là Agribank thời gian qua cũng rất tích cực rao bán tài sản. Gần đây, Agribank đã thông báo về việc rao bán đấu giá tài sản đảm bảo là cụm 27 tài sản thế chấp có tổng diện tích 73.377m2 tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM là tài sản thế chấp của các khách hàng: Công Ty Thương Mại Dịch Vụ Sản Xuất và Xây Dựng Nam Hải, Công Ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Hòa Thành, Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Dịch Vụ Tân Mỹ Hưng, Công ty TNHH Ung Gia, 2 cá nhân Nguyễn Văn Tám và Thái Tú Mậu.
Khối bất động sản trên bao gồm: 8.757 m2 đất thuộc loại chuyên dùng, nhà ở văn phòng và nhà kho còn lại là đất trồng cây lâu năm, đất lúa, đất vườn. Tổng giá khởi điểm của 27 tài sản bán đấu giá lần này khoảng 437 tỷ đồng.
Ngoài đấu giá khối tài sản lớn trên, Agribank còn nhiều khoản nợ tài sản đảm bảo với giá trị từ vài chục tỷ đồng, trong đó phần lớn tài sản đấu giá là đất trồng cây, đất lúa.
Trong báo cáo tài chính quý 1/2020, hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh trích lập dự phòng. Việc tăng mạnh trích lập dự phòng được xem là bước đi phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 được dự báo sẽ tác động đáng kể tới chất lượng tài sản và tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng.
Mặc dù vậy, dịch bệnh cũng là thời điểm thích hợp để các ngân hàng tranh thủ xử lý các khoản nợ xấu cũ đã hình thành từ trước đó. Các công ty phân tích nhận định, dịch bệnh mới bùng phát từ thời điểm sau Tết Nguyên đán, do đó nếu khách hàng gặp khó khăn thì thời gian quá hạn khoản vay cũng chưa vượt quá 90 ngày để được phân vào nợ xấu. Do đó đây là động thái chủ động "làm sạch" bảng cân đối của ngân hàng.
Chẳng hạn, báo cáo tài chính quý 1/2020 của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cho thấy nợ xấu tăng đáng kể, từ mức gần 1,2% vào cuối năm 2019 lên mức hơn 1,6% vào cuối tháng 3 vừa qua. Trong đó, nợ nhóm 4 trong ba tháng đầu năm tăng mạnh gần 93%, còn nợ nhóm 5 tăng gần 46,6%. Chi phí dự phòng tín dụng trong kỳ cũng tăng lên đến gần 2.093 tỉ đồng, tăng gần 2,2 lần so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) công bố báo cáo tài chính quý 1/2020 với quy mô nợ xấu tăng lên mức 580 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu của Bac A Bank từ 0,69% lên 0,79%.
Một nhà băng khác là TPBank báo lãi quý 1/2020 đạt 809 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ mức 1,28% lên 1,87%.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) báo cáo quý 1/2020 đạt lãi sau thuế 860 tỷ đồng, tăng gần 33% so với cùng kỳ 2019. Đồng thời tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,68% cuối năm ngoái lên 1,83%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã phát sinh nợ quá hạn vì kinh doanh thua lỗ xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan trước khi dịch bệnh xảy ra, không đủ điều kiện để các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01 nhưng vẫn liên tục kiến nghị đến ngành ngân hàng, tạo áp lực cho hoạt động của các ngân hàng.
Mặc dù các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng do nhu cầu tín dụng của khách hàng sụt giảm nên tín dụng những tháng đầu năm 2020 có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước. Điều này sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng có xu hướng tăng lên.
Nguồn: