Ngân hàng đua phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi cao

26/11/2024
Các ngân hàng liên tục tăng lãi suất chào bán chứng chỉ tiền gửi, có nơi vượt 10% một năm.

Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) vừa thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh cho khách hàng tổ chức và cá nhân với lãi suất từ 9,5% đến 10,2% một năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 đến 60 tháng. Trước Bản Việt, Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất năm tối đa 9,1%, áp dụng cho kỳ hạn 61 tháng.

Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cuối tháng 3 cũng đưa ra sản phẩm tương tự với lãi suất tối đa 8,9%. Còn Ngân hàng Hàng Hải (MSB) đầu năm nay cũng tung ra chương trình chứng chỉ tiền gửi liên kết với trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất cam kết cao hơn lãi suất huy động của nhà băng này.

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Lệ Chi

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Lệ Chi

Trên thị trường hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động có chiều hướng tăng nhưng mức cao nhất cũng chỉ khoảng 8,2-8,4% mỗi năm với kỳ hạn dài 24-36 tháng. Trong khi đó, mức lãi suất huy động với kỳ hạn một năm và thấp hơn phổ biến trong khoảng 6,9-7,5%. Tùy từng ngân hàng sẽ có những chương trình huy động vốn khác nhau, phụ thuộc vào kỳ hạn và quy mô tiền gửi nhưng cũng chỉ tăng thêm 0,1-0,2% so với mức bình quân chung.

Thực tế là lãi suất chứng chỉ tiền gửi trong các đợt phát hành đang có xu hướng tăng dần và liên tục lập đỉnh mới. Con số này không chỉ cao hơn lãi suất huy động vốn, mà thậm chí đã vượt cả mức lãi suất trái phiếu được các nhà băng chào bán gần đây.

Theo các chuyên gia, có hai nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này là đặc tính của sản phẩm chứng chỉ tiền gửi và nhu cầu vốn của các nhà băng.

Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá tương tự sổ tiết kiệm, do ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn. Tuy nhiên, sản phẩm này có nhiều đặc điểm tương đồng với trái phiếu hơn là tiền gửi thông thường, bởi chứng chỉ tiền gửi thường đi kèm nhiều điều khoản khi phát hành, đặc biệt là tính thanh khoản thấp hơn.

Trong điều khoản hợp đồng, thông thường các chứng chỉ tiền gửi có điều kiện không được rút trước hạn, nhiều loại chứng chỉ tiền gửi thậm chí chỉ được nhận lãi vào ngày đáo hạn. Hay nói cách khác, khi đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi, người mua phải chắc chắn về nguồn vốn nhàn rỗi trong thời gian dài. Nếu có nhu cầu vốn, khách hàng có thể thế chấp tại chính ngân hàng phát hành, bán lại chứng chỉ tiền gửi hoặc chấp nhận lãi suất không kỳ hạn, nhưng cả ba phương án này đều giảm lợi ích của việc nắm giữ.

Bên cạnh đó, con số lãi suất cao, nhiều trường hợp, cũng đi kèm với điều kiện về mệnh giá hoặc thời hạn kéo dài. Như trường hợp chứng chỉ tiền gửi của SHB trong đợt phát hành cuối tháng 3, lãi suất cao nhất 8,9% chỉ áp dụng với mệnh giá trên 2 tỷ đồng và kỳ hạn 36 tháng.

"Mức lãi suất cao của chứng chỉ tiền gửi nếu xem xét kỹ cũng không phải con  số quá hấp dẫn, bởi thời hạn thường kéo dài so với tiền gửi thông thường và tính thanh khoản thấp hơn", một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng bình luận.

Ở góc độ ngân hàng, huy động vốn qua kênh chứng chỉ tiền gửi được xem là một biện pháp huy động vốn trung  - dài hạn. Nói với VnExpress, TS Cấn Văn Lực cho biết, những quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc siết dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn là áp lực khiến các nhà băng phải thay đổi cơ cấu nguồn vốn, theo hướng gia tăng nguồn vốn thời hạn dài.

Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cũng nhận định tỷ lệ cho vay trên huy động tiếp tục giữ ở mức cao, cùng với việc siết dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn có thể tác động tới chi phí huy động vốn của các ngân hàng.

"Lãi suất huy động tại các kỳ hạn trung và dài hạn có thể sẽ tăng mạnh do nhu cầu bổ sung vốn khi bị hạn chế tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong thời gian tới", báo cáo của BSC viết. 

Tuy nhiên, việc đẩy lãi suất liên tục tăng không có nghĩa các nhà băng đang cố huy động "bằng mọi giá".

Lý giải thực trạng này, một chuyên gia cho rằng, các nhà băng thường chọn chứng chỉ tiền gửi khi cần huy động lượng vốn ổn định trong dài hạn để thực hiện một kế hoạch kinh doanh, bởi một trong những điều kiện thường đi kèm với chứng chỉ tiền gửi là không được rút trước khi đáo hạn. Hay nói cách khác, chi phí vốn cao nhưng có thể các nhà băng đã có phương án để đảm bảo "không lỗ".

Cuối năm 2017, thị trường ghi nhận đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao không kém hiện tại. Khi đó, một số nhà băng công bố kế hoạch phát hành với mức lãi suất đạt trên 9,2%. Dòng vốn này, sau đó, được các nhà băng sử dụng cho mảng kinh doanh vay tiêu dùng, tín chấp với lãi suất đầu ra hai con số. 

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cũng cho biết, hầu hết chương trình tín dụng hay huy động giấy tờ có giá đều căn cứ trên tình hình hoạt động thực tế, tính toán dựa vào hoạt động kinh doanh chung. "Các ngân hàng thương mại khi đưa ra một chương trình gì đều phải tính toán rất kỹ, căn cứ chi phí đầu vào đầu ra, nhiều yếu tố", vị này cho biết. 

Minh Sơn

Nguồn: